>>> Xem công việc pháp lý mới tại đây.

Tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài trong Công ty Cổ Phần

Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet

1. Hình thức sử dụng lao động nước ngoài đối với công ty cổ phần tại Việt Nam

Người lao động là công dân nước ngoài (sau đây gọi tắt là NLĐNN) có thể vào làm việc cho công ty cổ phần tại Việt Nam theo các hình thức sau đây:

- Thực hiện hợp đồng lao động;

- Di chuyển trong nội bộ công ty cổ phần (là việc nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại là công ty cổ phần tại Việt Nam).

- Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế.

- Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng được ký kết giữa công ty cổ phần với bên phía nước ngoài.

- Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam (cụ thể: hiện diện thương mại là công ty TNHH 2 thành viên trở lên).

- Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;

- Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam;

- Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Điều kiện tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại công ty cổ phần

Việc tuyển dụng NLĐNN đòi hỏi công ty và NLĐNN cần đáp ứng nhiều điều kiện và chịu sự hạn chế; chứ không phải bất kỳ khi nào công ty có nhu cầu là có thể tuyển dụng được.

Thứ nhất, công ty cổ phần chỉ được tuyển NLĐNN vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh; cụ thể:

Chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;

- Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;

- Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Nhà quản lý: là người quản lý doanh nghiệp hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng dầu của cơ quan, tổ chức . Trong đó: người quản lý công ty cổ phần là Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Giám đốc điều hành là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của công ty.

- Người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất một lĩnh vực của  công ty và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu công ty.

Lao động kỹ thuật là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Được đào tạo ít nhất 1 năm và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

- Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Công ty cần nắm rõ các khái niệm (điều kiện) này; vì sẽ phải chuẩn bị các giấy tờ chứng minh, xác nhận đối tượng cụ thể khi thực hiện việc đề nghị cấp giấy phép lao động.

Thứ hai, công ty cổ phần trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (xem chi tiết tại Mục 4 (i) của bài viết).

Thứ ba, trong trường hợp công ty cổ phần là nhà thầu thì trước khi tuyển dụng và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc cho công ty cổ phần tại Việt Nam

(i) Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

- Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc (xem quy định về chuyên gia, người quản lý, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật tại Mục 1); có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam.

- Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động (Xem chi tiết tại Đề nghị cấp giấy phép lao động).

(ii) Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

(iii) Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

4. Quy trình tuyển dụng người lao động nước ngoài làm việc cho công ty cổ phần tại Việt Nam

Có thể khái quát quy trình tuyển dụng NLĐNN theo sơ đồ sau:

Giải trình nhu cầu sử dụng NLĐNN/Kê khai thông tin sử dụng NLĐNN để thực hiện gói thầu >> Tuyển dụng >> Đề nghị cấp giấy phép lao động hoặc Đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động >> Ký kết hợp đồng lao động (nếu có) >> Bảo lãnh cho NLĐNN được cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.

Cụ thể như sau:

(i) Giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài (trừ nhà thầu)

Trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc cho công ty cổ phần tại Việt Nam, công ty (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng NLĐNN đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình theo hướng dẫn bên dưới. Trừ các trường hợp sau đây thì không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài:

- Lao động nước ngoài vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.

- Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.

- Người lao động nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

- Lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm.

- Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập tại công ty hợp danh.

- Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

- Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam (mà cụ thể là thành lập công ty hợp danh tại Việt Nam).

Thủ tục giải trình nhu cầu sử dụng lao động được tiến hành như sau:

- Trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, công ty cổ phần (trừ nhà thầu) báo cáo giải trình theo Mẫu 01/PLI tại Phụ lục ban hành theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP và gửi đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

- Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài về vị trí, chức danh công việc, hình thức làm việc, số lượng, địa điểm thì công ty cổ phần phải báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo Mẫu 02/PLI tại Phụ lục ban hành theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.

Kể từ ngày 01/01/2024:

- Việc thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm (do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập) trong thời gian ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

- Nội dung thông báo tuyển dụng bao gồm: vị trí và chức danh công việc, mô tả công việc, số lượng, yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, mức lương, thời gian và địa điểm làm việc.

- Sau khi không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị ví tuyển dụng người lao động nước ngoài, công ty cổ phần có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo hướng dẫn bên trên.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

(ii) Công ty cổ phần là nhà thầu kê khai thông tin về việc sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu

Trong trường hợp công ty cổ phần là nhà thầu thì trước khi tuyển dụng và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu tại Việt Nam và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đồng thời, công ty cổ phần đề nghị tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo Mẫu số 04/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP.

(iii) Đề nghị cấp giấy phép lao động hoặc Đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động

Công ty cổ phần phải thực hiện công việc "Đề nghị cấp giấy phép lao động" trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam hoặc "Đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động" nếu người lao động nước ngoài thuộc các trường hợp không phải cấp giấy phép lao động.

(iv) Tiến hành ký kết hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài vào làm việc tại công ty

Trường hợp sử dụng người lao động nước ngoài theo hình thức thực hiện hợp đồng lao động thì sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động, công ty cổ phần và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho công ty.

Công ty cổ phần phải gửi hợp đồng lao động đã ký kết theo yêu cầu tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động đó. Hợp đồng lao động là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực.

Lưu ý: Nội dung của hợp đồng lao động phải đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp và thời hạn của hợp đồng lao động không được vượt quá thời hạn của giấy phép lao động.

5. Bảo lãnh cho người lao động nước ngoài được cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam

>> Xem chi tiết công việc tại Bảo lãnh cho người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

6. Báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài định kỳ

>> Xem chi tiết công việc tại: Trách nhiệm về việc báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài.

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

8,402
Bài viết liên quan:
Câu hỏi thường gặp: