Vừa qua, một người lao động nước ngoài trong công ty tôi bị mất giấy phép lao động. Công ty có thể xin cấp lại giấy phép lao động cho người này được không? – Thanh Tú (Bắc Ninh).
>> Việc thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại công ty 2023 được quy định như thế nào?
>> Trường hợp lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động năm 2023?
Theo quy định Điều 12 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, các trường hợp cấp lại giấy phép lao động bao gồm:
- Giấy phép lao động còn thời hạn bị mất.
- Giấy phép lao động còn thời hạn bị hỏng.
- Thay đổi họ và lên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa điểm làm việc ghi trong giấy phép lao động còn thời hạn.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Việc cấp lại giấy phép lao động năm 2023 được quy định thế nào? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động được quy định tại Điều 13 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, bao gồm:
i) Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo Mẫu số 11/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
ii) 02 ảnh màu (kích thước 4 cm x 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
iii) Giấy phép lao động còn thời hạn đã được cấp:
- Trường hợp giấy phép lao động còn thời hạn bị mất thì phải có xác nhận của cơ quan công an cấp xã nơi người nước ngoài cư trú hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp thay đổi nội dung ghi trên giấy phép lao động thì phải có các giấy tờ chứng minh.
iv) Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
Lưu ý: Giấy tờ nêu tại mục iii, mục iv nêu trên là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực trừ trường hợp giấy phép lao động còn thời hạn bị mất, nếu của nước ngoài thì phải hợp pháp hóa lãnh sự và phải dịch ra tiếng Việt trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật.
Thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép lao động được quy định tại Điều 14 Nghị định 152/2020/NĐ-CP và Quyết định 526/QĐ-LĐTBXH ngày 06/5/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Cụ thể như sau:
i) Cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy phép lao động
- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
ii) Người nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động
- Đối tượng thuộc một trong các trường hợp nêu tại mục 3.5 phần A của Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 526/QĐ-LĐTBXH ngày 06/5/2021 là người nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong đó có:
+ Tổ chức quốc tế, văn phòng của dự án nước ngoài tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
+ Tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp giấy đăng ký theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Đối tượng thuộc một trong các trường hợp nêu tại mục 3.5 phần B của Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 526/QĐ-LĐTBXH ngày 06/5/2021 là người nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong đó có:
+ Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có trụ sở chính tại một tỉnh, thành phố nhưng có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại tỉnh, thành phố khác.
+ Nhà thầu tham dự thầu, thực hiện hợp đồng.
+ Văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập.
+ Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc của nhà thầu nước ngoài được đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.
+ Tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật hợp tác xã 2012.
Lưu ý: Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có trụ sở chính tại một tỉnh, thành phố nhưng có văn phòng đại diện hoặc chi nhành tại tỉnh, thành phố khác có thể lựa chọn thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép lao động tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 152/2020/NĐ-CP).
iii) Trình tự thực hiện
- Bước 1: Người sử dụng lao động nêu tại mục ii) nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp lại giấy phép lao động. Trường hợp không cấp lại giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Thời hạn của giấy phép lao động được cấp lại bằng thời hạn của giấy phép lao động đã được cấp trừ đi thời gian người lao động nước ngoài đã làm việc tính đến thời điểm đề nghị cấp lại giấy phép lao động (theo Điều 15 Nghị định 152/2020/NĐ-CP).