Đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động trong Công ty Cổ Phần
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
1. Các trường hợp công ty cổ phần sử dụng lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động
Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động. Tuy nhiên, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì người lao động nước ngoài vào làm việc cho công ty cổ phần tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động:
(i) Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.
(ii) Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(iii) Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
(iii) Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
(iv) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải.
Trong đó: Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục.
(v) Vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm.
(vi) Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các doanh nghiệp tại Việt Nam; học viên thực tập, tập sự trên tàu biển Việt Nam.
(vii) Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(viii) Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam (cụ thể, hiện diện thương mại là công ty cổ phần).
2. Thủ tục xác nhận người lao động nước ngoài không diện cấp giấy phép lao động
Trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại công ty cổ phần thuộc các đối tượng nêu tại Mục 1 (trừ đối tượng (iii), (v) và (vii)), công ty cổ phần phải đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo hướng dẫn bên dưới trước ít nhất 10 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc.
2.1. Thành phần hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động
Hồ sơ đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài làm việc cho công ty cổ phần tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động, bao gồm:
(i) Văn bản đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo Mẫu số 09/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP (được bổ sung bởi điểm n khoản 13 Điều 1 Nghị định 70/2023/NĐ-CP);
(ii) Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ hoặc giấy chứng nhận có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
(iii) Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài;
(iv) Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc bản sao hộ chiếu có xác nhận của công ty cổ phần còn giá trị theo quy định của pháp luật;
(v) Các giấy tờ để chứng minh người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Lưu ý: Các giấy tờ (ii), (iii) và (v) nêu trên là 01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì phải hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và công chứng hoặc chứng thực trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật.
2.2. Thẩm quyền xác nhận: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
2.3. Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và được xem xét là hợp lệ thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có văn bản xác nhận. Trường hợp không xác nhận thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
2.4. Thời hạn xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động: tối đa là 02 năm và theo thời hạn của một trong các trường hợp quy định tại Điều 10 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
Riêng đối với người lao động nước ngoài làm việc tại công ty cổ phần thuộc các đối tượng (iii), (v) và (vii) nêu tại Mục 1 thì không phải làm thủ tục xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động nhưng phải báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc thông tin: Họ và tên, tuổi, quốc tịch, số hộ chiếu, tên người sử dụng lao động nước ngoài, ngày bắt đầu và ngày kết thúc làm việc trước ít nhất 3 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam.
Sau khi được cấp giấy xác nhận thì doanh nghiệp có thể bắt đầu thực hiện việc "Bảo lãnh cho người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam".
3. Xử phạt vi phạm hành chính khi công ty cổ phần không thực hiện thủ tục xác nhận NLĐ nước ngoài không diện cấp giấy phép lao động
3.1. Đối với công ty cổ phần
Trường hợp công ty cổ phần sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có Giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động (trong trường hợp người lao động nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại Mục 1) hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực sẽ bị phạt tiền theo một trong các mức sau đây:
- Từ 60 triệu đồng đến 90 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
- Từ 90 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 20 người;
- Từ 120 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với vi phạm từ 21 người trở lên.
3.2. Đối với người lao động nước ngoài
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng quy định tại Mục 1 bên trên nhưng không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng.
Đồng thời, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.
Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Bài viết liên quan:
- Quy định về quy trình cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn giấy phép xây dựng 2024
- Quy định về thay đổi nội dung tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại 2024
- Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 23/10/2023
- Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 22/10/2023
- Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 21/10/2023