Phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu của công ty đại chúng trong Công ty Cổ Phần
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
1. Điều kiện công ty đại chúng phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu
(i) Có phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
(ii) Nguồn vốn chủ sở hữu đủ để tăng vốn cổ phần. Nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn cổ phần được căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận, bao gồm:
+ Thặng dư vốn cổ phần;
+ Quỹ đầu tư phát triển;
+ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối;
+ Quỹ khác (nếu có) được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp công ty đại chúng là công ty mẹ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác, nguồn thực hiện được căn cứ trên báo cáo tài chính của công ty mẹ;
- Trường hợp công ty đại chúng là công ty mẹ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, lợi nhuận quyết định phân phối không được vượt quá mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán. Trường hợp lợi nhuận quyết định phân phối thấp hơn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất và cao hơn mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ, công ty chỉ được thực hiện việc phân phối sau khi đã điều chuyển lợi nhuận từ các công ty con về công ty mẹ.
(iii) Tổng giá trị các nguồn vốn nêu tại Mục 1(ii) phải đảm bảo không thấp hơn tổng giá trị vốn cổ phần tăng thêm theo phương án được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
(iv) Có phương án xử lý phần lẻ cổ phần, cổ phiếu lẻ (nếu có) được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua.
(v) Được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận về đề nghị tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng đối với việc phát hành cổ phiếu của tổ chức tín dụng hoặc được Bộ Tài chính chấp thuận việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với việc phát hành cổ phiếu của tổ chức kinh doanh bảo hiểm.
2. Tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu của công ty đại chúng
(1) Báo cáo phát hành theo Mẫu số 16 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
(2) Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành.
(3) Quyết định của Hội đồng quản trị thông qua việc triển khai phương án phát hành.
(4) Báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.
(5) Quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua phương án xử lý phần lẻ cổ phần, cổ phiếu lẻ (nếu có).
(6) Văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về đề nghị tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng đối với việc phát hành cổ phiếu của tổ chức tín dụng hoặc văn bản chấp thuận của Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với việc phát hành cổ phiếu của tổ chức kinh doanh bảo hiểm.
(7) Quyết định của cấp có thẩm quyền của công ty con thông qua việc phân phối lợi nhuận, sao kê có xác nhận của ngân hàng chứng minh việc đã điều chuyển lợi nhuận từ các công ty con về công ty mẹ trong trường hợp công ty mẹ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và nguồn vốn thực hiện thấp hơn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất, cao hơn mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ.
3. Trình tự, thủ tục công ty đại chúng phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu
(1) Công ty đại chúng phát hành cổ phiếu phải gửi tài liệu báo cáo theo Mục 2 cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu báo cáo, nếu có yêu cầu sửa đổi, bổ sung, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản gửi công ty đại chúng phát hành cổ phiếu về việc sửa đổi, bổ sung.
Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi thông báo cho công ty đại chúng phát hành cổ phiếu thực hiện hoặc có văn bản từ chối nêu rõ lý do.
(2) Công bố trên phương tiện thông tin đại chúng
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo, công ty đại chúng phát hành cổ phiếu phải công bố Bản thông báo phát hành (Phụ lục số 17 ban hành kèm theo Thông tư 118/2020/TT-BTC) trên trang thông tin điện tử của công ty đại chúng phát hành cổ phiếu, Sở giao dịch chứng khoán. Việc công bố thông tin phải được thực hiện ít nhất 07 ngày làm việc trước ngày kết thúc đợt phát hành.
Ngày kết thúc đợt phát hành không được quá 45 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo.
Trong quá trình phát hành cổ phiếu nếu phát sinh cổ phiếu lẻ, công ty được mua lại cổ phiếu lẻ làm cổ phiếu quỹ theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị thông qua. Số cổ phiếu được công ty mua lại này đối với những trường hợp sau và các quy định khác có liên quan:
- Công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ;
- Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu lẻ theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu;
- Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu lô lẻ theo yêu cầu của cổ đông.
(3) Đăng ký niêm yết
Công ty đại chúng có cổ phiếu niêm yết phải tiến hành đăng ký niêm yết bổ sung với Sở Giao dịch Chứng khoán đối với số lượng cổ phiếu đã phát hành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo kết quả phát hành qua báo cáo kết quả đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (theo Mẫu tại Phụ lục số 28 ban hành kèm theo Thông tư 118/2020/TT-BTC).
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.
Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Bài viết liên quan:
- Tiêu chuẩn của trưởng bộ phận nghiệp vụ công ty môi giới bảo hiểm
- Điều kiện đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm
- Quy định về quản lý vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bảo hiểm
- Chuẩn mực kiểm toán số 530: Lấy mẫu kiểm toán (Phần 5)
- Chuẩn mực kiểm toán số 530: Lấy mẫu kiểm toán (Phần 3)
Câu hỏi thường gặp:
- Vốn hóa là gì? Cách tính vốn hóa hiện nay là như thế nào?
- Cách đọc bảng giá chứng khoán trên sàn HOSE, HNX, UPCOM?
- Chứng khoán bị đình chỉ giao dịch là gì? Khi nào chứng khoán bị đình chỉ giao dịch?
- Cách sửa, hủy lệnh mua bán chứng khoán tại sàn HOSE, HNX, UPCOM?
- Lệnh ATC là gì? Trong mua bán chứng khoán, khi nào đặt lệnh ATC?
- Lệnh ATO là gì? Trong mua bán chứng khoán, khi nào đặt lệnh ATO?
- Cổ phiếu là gì? Cổ phiếu ưu đãi là gì? Các loại cổ phiếu hiện nay?
- Công ty mẹ và công ty con cùng góp vốn để sở hữu chéo lẫn nhau, có bị phạt không?
- Người phụ trách quản trị công ty đại chúng có thể kiêm nhiệm làm Thư ký công ty không?
- Doanh nghiệp như thế nào sẽ được coi là doanh nghiệp Nhà nước?