Theo quy định hiện nay, công ty mẹ, công ty con cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau có bị phạt không? Nếu có thì mức phạt là bao nhiêu? – Minh Vương (Trà Vinh).
>> Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký, bị phạt bao nhiêu?
>> Đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, tốn bao nhiêu ngày?
Căn cứ khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
“Điều 195. Công ty mẹ, công ty con
…
2. Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
…”
Theo quy định trên, pháp luật không cho phép công ty con được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. Do đó, công ty mẹ và công ty con không thể cùng góp vốn để sở hữu chéo lẫn nhau.
Luật Doanh nghiệp và văn bản sửa đổi, hướng dẫn (áp dụng từ ngày 05/3/2023) |
Công ty mẹ và công ty con cùng góp vốn để sở hữu chéo lẫn nhau, có bị phạt không?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 59 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 59. Vi phạm đối với doanh nghiệp được tổ chức theo mô hình công ty mẹ, công ty con
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
1. Mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ.
2. Cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
3. Cùng góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc thành lập doanh nghiệp mới (đối với các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước).”
Như vậy, công ty mẹ và công ty con có hành vi cùng góp vốn để sở hữu chéo lẫn nhau thì có thể bị phạt tiền từ từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.
Căn cứ Điều 196 Luật Doanh nghiệp 2020, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con được quy định như sau:
(i) Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(ii) Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với chủ thể pháp lý độc lập.
(iii) Trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.
(iv) Người quản lý công ty mẹ chịu trách nhiệm về việc can thiệp buộc công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh theo quy định tại đoạn (iii) Mục này phải liên đới cùng công ty mẹ chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.
(v) Trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định tại đoạn (iii) Mục này thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 01% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con yêu cầu công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con.
(vi) Trường hợp hoạt động kinh doanh theo quy định tại đoạn (iii) Mục này do công ty con thực hiện đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng một công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng cho công ty con bị thiệt hại.