Công ty dự định mua cổ phiếu của một vài công ty cổ phần trong lĩnh vực y tế. Do đó, tôi muốn biết cổ phiếu là gì? Hiện nay, có những loại cổ phiếu nào? – Đình Nhân (Quảng Bình).
>> Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại theo Luật Thương mại 2024?
>> Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Thương mại 2024?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020: Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
Trên cổ phiếu phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
- Số lượng cổ phần và loại cổ phần;
- Mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu;
- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;
- Chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty;
- Số đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của công ty và ngày phát hành cổ phiếu;
- Nội dung khác theo quy định tại các Điều 116, 117 và 118 của Luật Doanh nghiệp 2020 đối với cổ phiếu của cổ phần ưu đãi.
Như vậy, nói đơn giản, khi mua cổ phần của một công ty, nhà đầu tư sẽ được cấp chứng chỉ ghi nhận quyền sở hữu đối với cổ phần này và chứng chỉ này chính là cổ phiếu.
Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực [Cập nhật ngày 04/8/2023]
Các loại cổ phiếu hiện nay (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020, hiện nay có 02 loại cổ phiếu, đó là cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi. Cụ thể:
- Cổ phiếu phổ thông là loại cổ phiếu bắt buộc phải có trong công ty cổ phần, cấp cho người sở hữu cổ phần phổ thông (cổ đông phổ thông).
- Cổ phiếu ưu đãi là loại cổ phiếu được cấp cho người sở hữu cổ phần ưu đãi (cổ đông ưu đãi). Cổ phiếu ưu đãi gồm các loại sau đây:
+ Cổ phiếu ưu đãi cổ tức: được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phiếu phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm,
+ Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại: được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu ưu đãi cổ tức hoàn lại và Điều lệ công ty.
+ Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết: có nhiều hơn số phiếu biểu quyết so với cổ phiếu phổ thông khác. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định.
+ Cổ phiếu ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.
Trên thực tế, các nhà đầu tư chứng khoán còn phân loại cổ phiếu thành các loại sau đây:
- Cổ phiếu penny (Penny stock hoặc Small caps): Để chỉ những cổ phiếu của các công ty có vốn hoá nhỏ niêm yết trên sàn chứng khoán.
- Cổ phiếu blue-chip: Ngược lại với cổ phiếu penny, cổ phiếu blue-chip là loại cổ phiếu do các công ty có uy tín, dẫn đầu ngành với giá trị vốn hóa thị trường lớn phát hành.
- Cổ phiếu ESOP (viết tắt của cụm từ Employee Stock Ownership Plan): Có nghĩa là “kế hoạch phát hành cổ phần thuộc sở hữu của người lao động” là loại cổ phiếu phát hành dành riêng cho người lao động của công ty. Người lao động sở hữu loại cổ phiếu này thường là người lao động có thâm niên hoặc đóng góp lớn cho doanh nghiệp.
- Cổ phiếu OTC (viết tắt của cụm từ Over The Counter): những cổ phiếu chưa niêm yết, được giao dịch trên quầy không chính thức của các công ty phát hành cổ phiếu, các ngân hàng hay các công ty chứng khoán.
Cổ đông (là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần) sẽ có các quyền khác nhau tùy thuộc vào loại cổ phiếu mà cổ đông đang nắm giữ. Cụ thể:
- Cổ đông phổ thông: có các quyền theo quy định tại Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020, trong đó có các quyền quan trọng như quyền dự họp, phát biểu, biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, quyền nhận cổ tức.
Ngoài các quyền như đối với cổ đông phổ thông thì cổ đông ưu đãi còn có một số đặc quyền sau:
- Cổ đông ưu đãi biểu quyết: có quyền biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết trên một cổ phần cao hơn cổ đông phổ thông.
- Cổ đông ưu đãi hoàn lại: được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của cổ đông ưu đãi hoàn lại hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu ưu đãi hoàn lại và Điều lệ công ty.
- Cổ đông ưu đãi cổ tức:
+ Nhận cổ tức trên một cổ phần với mức cao hơn so với mức cổ tức trên một cổ phần của cổ đông phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm.
+ Nhận phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản.
Lưu ý: Riêng đối với cổ đông ưu đãi hoàn lại và cổ đông ưu đãi cổ tức, họ sẽ không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 114 và khoản 6 Điều 148 của Luật Doanh nghiệp 2020.
(Căn cứ Điều 115, 116, 117 và 118 Luật Doanh nghiệp 2020).