Thành lập, điều động lực lượng phòng cháy, chữa cháy là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cụ thể như sau:
>> Xây dựng và thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
(i) Đối với đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở:
Nơi sản xuất, kinh doanh, trụ sở làm việc, khu chung cư và công trình độc lập khác do Chính phủ quy định của doanh nghiệp, hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở) phải thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở là tổ chức gồm những người được giao nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở, hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách
Người đứng đầu doanh nghiệp, hộ kinh doanh quyết định thành lập, quản lý đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và trực tiếp duy trì hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách.
(ii) Đối với đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành:
Tại các cơ sở sau đây phải thành lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành:
- Cơ sở hạt nhân;
- Cảng hàng không, cảng biển;
- Cơ sở khai thác và chế biến dầu mỏ, khí đốt;
- Cơ sở khai thác than;
- Cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ;
- Các cơ sở khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Cụ thể, theo quy định tại Điều 13 Thông tư 149/2020/TT-BCA, cơ sở khác bao gồm: Kho dự trữ cấp quốc gia; kho dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ có tổng dung tích 15.000 m3 trở lên; nhà máy thủy điện có công suất từ 300 MW trở lên, nhà máy nhiệt điện có công suất từ 200 MW trở lên; cơ sở sản xuất giấy 35.000 tấn/năm trở lên; cơ sở dệt công suất 20 triệu m2/năm trở lên; cơ sở sản xuất phân đạm 180.000 tấn/năm trở lên; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có diện tích từ 50 ha trở lên phải lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.
Đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành là đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được tổ chức để đáp ứng yêu cầu hoạt động đặc thù của cơ sở do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thành lập, quản lý và trực tiếp duy trì hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách.
(iii) Quyết định thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành phải được doanh nghiệp, hộ kinh doanh gửi tới cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quản lý địa bàn đó.
(Căn cứ khoản 3, khoản 6 Điều 3, Điều 44 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1, khoản 25 Điều 1 Luật số 40/2013/QH13 và khoản 1 Điều 31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP).
Người đứng đầu doanh nghiệp, hộ kinh doanh trực tiếp quản lý cơ sở có trách nhiệm quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện, bảo đảm các điều kiện cần thiết và duy trì hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành (theo khoản 2 Điều 31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP).
>> Tham khảo mẫu Quyết định thành lập Đội Phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
Theo quy định tại Điều 45 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở có nhiệm vụ:
- Đề xuất việc ban hành quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy và chữa cháy.
- Kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
- Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
- Xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra; tham gia chữa cháy ở địa phương, cơ sở khác khi có yêu cầu.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, đội phòng cháy và chữa cháy (PCCC) cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành được bố trí lực lượng như sau:
Số người thường xuyên làm việc tại cơ sở |
Số lượng thành viên đội PCCC cơ sở, chuyên ngành |
Số đội trưởng |
Số đội phó |
Lưu ý |
Dưới 10 người |
Tất cả người thường xuyên làm việc |
Không buộc phải có |
Không buộc phải có |
Người lãnh đạo cơ sở sẽ chỉ huy, chỉ đạo |
Từ 10 đến 50 người |
Tối thiểu 10 người |
01 |
Không buộc phải có |
|
Trên 50 người đến 100 người |
Tối thiểu là 15 người |
01 |
01 |
|
Trên 100 người |
Tối thiểu là 25 người |
01 |
02 |
Cơ sở có nhiều phân xưởng, bộ phận làm việc độc lập có trên 100 người thường xuyên làm việc thì mỗi bộ phận, phân xưởng có 01 tổ PCCC cơ sở, chuyên ngành; biên chế của tổ PCCC tối thiểu 05 người, trong đó có 01 tổ trưởng; |
Lưu ý:
- Cơ sở được trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới thì biên chế đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành phải bảo đảm duy trì số người thường trực đáp ứng theo cơ số của phương tiện chữa cháy cơ giới.
- Đối với trạm biến áp được vận hành tự động, có hệ thống phòng cháy và chữa cháy tự động được liên kết, hiển thị, cảnh báo cháy về cơ quan chủ quản và có hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố đến cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thì không phải thành lập và duy trì lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở. Cơ quan, tổ chức trực tiếp vận hành, quản lý trạm biến áp phải chịu trách nhiệm duy trì và bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với trạm biến áp do mình quản lý.
Thành viên của đội phòng cháy và chữa cháy cơ cơ, thành viên của đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành phải được huấn luyện, bồi dường nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy (theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP).
Xem chi tiết tại công việc "Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy".
Theo quy định tại Điều 35 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, lực lượng phòng cháy và chữa cháy, chuyên ngành được điều động như sau:
(i) Người có thẩm quyền điều động đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành để tham gia vào các hoạt động phòng cháy và chữa cháy:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu doanh nghiệp, hộ kinh doanh được điều động đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của mình;
- Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện được điều động đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành trong phạm vi địa bàn quản lý của mình;
- Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được điều động đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành trong phạm vi cả nước.
(ii) Khi nhận được lệnh điều động tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy thì người có thẩm quyền quản lý lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành phải chấp hành.
(iii) Thủ tục điều động lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy:
- Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành khi được điều động tham gia tuyên truyền, mít tinh, diễu hành, hội thao về phòng cháy và chữa cháy, thực tập phương án chữa cháy; tham gia khắc phục nguy cơ phát sinh cháy, nổ; khắc phục hậu quả vụ cháy và những hoạt động phòng cháy và chữa cháy khác phải có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của người có thẩm quyền;
- Điều động lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải bằng Lệnh huy động, điều động lực lượng, phương tiện và tài sản tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC20 ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP).
Trong trường hợp khẩn cấp thì được điều động bằng lời nói, nhưng chậm nhất không quá 03 ngày làm việc phải có lệnh bằng văn bản. Khi điều động bằng lời nói, người điều động phải xưng rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại liên lạc và nêu rõ yêu cầu về số lượng người cần điều động, thời gian, địa điểm có mặt và nội dung hoạt động.
- Lệnh điều động được gửi cho đối tượng có nghĩa vụ chấp hành và lưu hồ sơ.