Điều kiện bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và trình tự, thủ tục đăng ký bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được quy định cụ thể như sau:
>> Đăng ký hợp đồng chuyển giao kiểu dáng công nghiệp
>> Yêu cầu cấp lại/cấp phó bản đối với văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn. Như vậy, bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là bảo hộ cách thức sắp xếp các phần tử mạch trên hoặc bên trong tấm vật liệu bán dẫn chứ không bảo hộ các phần tử mạch (IC, chip) bởi bản thân các đối tượng IC, chíp đã được bảo hộ dưới dạng sáng chế (Căn cứ khoản 15 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật số 36/2009/QH12).
Căn cứ Điều 68, 69, 70 và 71 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, thiết kế bố trí được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện về tính nguyên gốc và tính mới thương mại, cụ thể:
Thứ nhất, tính nguyên gốc của thiết kế bố trí:
- Thiết kế bố trí được coi là có tính nguyên gốc nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả;
+ Chưa được những người sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó.
- Thiết kế bố trí là sự kết hợp các phần tử, các mối liên kết thông thường chỉ được coi là có tính nguyên gốc nếu toàn bộ sự kết hợp đó có tính nguyên gốc nêu trên.
Thứ hai, tính mới thương mại của thiết kế bố trí:
- Thiết kế bố trí được coi là có tính mới thương mại nếu chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký.
- Thiết kế bố trí không bị coi là mất tính mới thương mại nếu đơn đăng ký thiết kế bố trí được nộp trong thời hạn 02 năm kể từ ngày thiết kế bố trí đó đã được người có quyền đăng ký thiết kế bố trí hoặc người được người đó cho phép khai thác nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Khai thác thiết kế bố trí nhằm mục đích thương mại này là hành vi phân phối công khai nhằm mục đích thương mại đối với mạch tích hợp bán dẫn được sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn đó.
Thứ ba, không thuộc các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí sau:
- Nguyên lý, quy trình, hệ thống, phương pháp được thực hiện bởi mạch tích hợp bán dẫn;
- Thông tin, phần mềm chứa trong mạch tích hợp bán dẫn.
Theo quy định tại Điều 86 và Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 25 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15), tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp:
- Tác giả tạo ra thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;
- Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc trường hợp đăng ký thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Lưu ý:
- Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
- Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký thiết kế bố trí nêu trên có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
Riêng đối với quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được quy định như sau:
(i) Đối với thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký thiết kế bố trí được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp (iii) bên dưới.
(ii) Đối với thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp (iii) bên dưới.
(iii) Quyền đăng ký thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia được thực hiện như sau:
- Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký thiết kế bố trí thuộc về Nhà nước.
- Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước thuộc về Nhà nước.
- Đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền đăng ký nêu tại trường hợp (iii) này.
Căn cứ khoản 1 Điều 100, Điều 104 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, hồ sơ đăng ký thiết kế bố trí bao gồm các tài liệu sau:
- Tờ khai đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (Mẫu số 06 tại Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP).
- Bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ thiết kế bố trí (04 bộ).
- Bản mô tả của mạch tích hợp bán dẫn.
- Mẫu mạch tích hợp được sản xuất theo thiết kế (04 mẫu), nếu thiết kế bố trí đã được khai thác thương mại.
- Văn bản ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện).
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Lưu ý: Yêu cầu đối với thông tin điền trên Tờ khai và yêu cầu đối với các tài liệu nộp kèm Tờ khai được quy định cụ thể tại Mục II và Mục III của Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Trực tuyến qua Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
- Thẩm định hình thức:
+ 01 tháng kể từ ngày nộp đơn trong trường hợp đơn hợp lệ;
+ 01 tháng 10 ngày trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thống báo thẩm định hình thức đơn;
+ 03 tháng 10 ngày trong trường hợp đơn không hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định;
+ 03 tháng 20 ngày trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thống báo thẩm định hình thức đơn nhưng đơn vẫn không hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.
- Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ;
- Cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí: trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí.
(Căn cứ Điều 19 và 20 Thông tư 23/2023/TT-BKHĐT).
- Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng (mỗi đơn).
Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp đơn theo hình thức trực tuyến:
+ Kể từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2025, mức thu lệ phí nộp đơn: 75.000 đồng/đơn.
+ Kể từ ngày 01/01/2026 trở đi: mức thu lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng/đơn.
- Phí công bố đơn: 120.000 đồng.
- Phí thẩm định đơn: 180.000 đồng.
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí: 120.000 đồng.
- Phí đăng bạ Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.
- Phí công bố Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.
(Căn cứ Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC và Điều 3 Thông tư 63/2023/TT-BTC).
- Tờ khai đăng ký thiết kế bố trí (Mẫu số 06) Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Giấy ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ thiết kế bố trí.
- Giấy ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ thiết kế bố trí.
- Tờ khai sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký thiết kế bố trí (Mẫu số 04) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai yêu cầu ghi nhận chuyển nhượng đơn đăng ký thiết kế bố trí (Mẫu số 05) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai sửa đổi văn bằng bảo hộ thiết kế bố trí (Mẫu số 06) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
-Tờ khai gia hạn/duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ thiết kế bố trí (Mẫu số 07) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ thiết kế bố trí (Mẫu số 08) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai cấp phó bản/cấp lại văn bằng bảo hộ thiết kế bố trí (Mẫu số 09) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (Mẫu số 11) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.