Sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ nhỏ là gì? Quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ nhỏ thế nào cho đúng? Mức phạt khi vi phạm quảng cáo sản phẩm là bao nhiêu?
>> Google Ads là gì? Hiện nay có được quảng cáo rượu không?
>> Chat GPT sập ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp? Kế hoạch chiến lược phát triển AI đến 2030
Căn cứ khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Nghị định 100/2014/NĐ-CP, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung (viết tắt là thức ăn bổ sung) là thức ăn dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, dạng sệt hoặc đặc có đủ 04 nhóm thành phần: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất được chế biến sẵn để ăn bổ sung thêm cùng với sữa mẹ hoặc sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.
File Word Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn mới nhất |
Sản phẩm dinh dưỡng bổ sung (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2014/NĐ-CP, quy định quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ như sau:
Quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ
1. Nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức; sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai.
Như vậy, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi bị cấm quảng cáo.
Căn cứ Điều 8 Nghị định 181/2013/NĐ-CP và khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2014/NĐ-CP, quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ được quy định như sau:
(i) Nội dung quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
(ii) Quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ phải có các nội dung sau đây:
- Tên sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ.
- Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
(iii) Phần đầu của quảng cáo phải có nội dung: “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”.
(iv) Nội dung quảng cáo phải nêu rõ “Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 06 tháng tuổi”; phù hợp với quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định 100/2014/NĐ-CP và quy định khác của pháp luật về quảng cáo và an toàn thực phẩm.
Căn cứ điểm c khoản 1, khoản 3 Điều 33 và khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP), quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi sẽ bị phạt tiền từ 50 – 70 triệu đồng đối với cá nhân và phạt tiền từ 100 – 140 triệu đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo đối với hành vi quảng cáo sản phẩm bị cấm.
Căn cứ Điều 55 và khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP), mức phạt cho các hành vi vi phạm về quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ được quy định như sau:
(i) Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với cá nhân và từ 20 – 30 triệu đồng đối với tổ chức khi quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ có nội dung không phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc hồ sơ tự công bố sản phẩm hoặc hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.
(ii) Phạt tiền 15 – 20 triệu đồng đối với cá nhân và từ 30 – 40 triệu đồng đối với tổ chức khi quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ mà thiếu một trong các nội dung sau đây:
- Tên sản phẩm.
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
(iii) Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với cá nhân và từ 40 – 60 triệu đồng đối với tổ chức khi quảng cáo mà không bảo đảm một trong các yêu cầu sau đây:
- Phần đầu của quảng cáo phải có nội dung: “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”.
- Nội dung quảng cáo phải nêu rõ “Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 06 tháng tuổi”.
Ngoài ra, buộc cải chính thông tin; buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo và buộc loại bỏ nội dung vi phạm ra khỏi sản phẩm quảng cáo để khắc phục hậu quả.