Cho tôi hỏi, người lao động nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, thì có được hưởng quyền lợi bảo hiểm gì không? – Quang Minh (TP.HCM).
>> Công ty gặp khó khăn kinh tế, có phải đóng bảo hiểm cho người lao động?
>> Đi làm khi chưa hết thời hạn nghỉ sinh con, đóng bảo hiểm như thế nào?
Trong quá trình làm việc, có một số trường hợp người lao động phải nghỉ dài ngày, từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng như nghỉ chế độ thai sản, nghỉ ốm đau, nghỉ không hưởng lương hoặc nghỉ do tạm hoãn hợp đồng lao động.
Khi nghỉ việc trong các trường hợp trên, nếu không có thỏa thuận khác, thì doanh nghiệp sẽ không chi trả lương cho người lao động (do người lao động không đi làm). Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản pháp luật liên quan, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, vẫn sẽ có các quyền lợi bảo hiểm nêu dưới đây:
Khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản (như đi khám thai, nghỉ sinh con, v.v) từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, người lao động được hưởng 03 quyền lợi bảo hiểm sau đây:
(i) Người lao động được hưởng chế độ thai sản trong thời gian nghỉ
Theo các Điều từ Điều 31 đến Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động đóng bảo hiểm xã hội đủ thời gian quy định thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi:
- Người lao động nghỉ khám thai.
- Người lao động nghỉ khi sinh con.
- Người lao động nghỉ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý.
- Người lao động nghỉ khi nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.
- Người lao động nghỉ khi thực hiện các biện pháp tránh thai theo chỉ định.
- Người lao động nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản.
(ii) Người lao động và doanh nghiệp không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thời gian này được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hôi, nhưng không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể:
- Theo Khoản 2 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động và doanh nghiệp không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với tháng mà người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên.
- Thời gian này vẫn được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo Khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH.
Cách xác định thời gian được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong một số trường hợp người lao động nghỉ chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên được hướng dẫn chi tiết tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
(iii) Người lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người lao động
Theo Khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động cho tháng mà người lao động nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên. Như vậy, người lao động khi đi khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian này, vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.
>> Xem thêm các công việc liên quan:
>> Hồ sơ giải quyết chế độ thai sản
>> Hồ sơ giải quyết trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản
Người lao động nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên được hưởng quyền lợi bảo hiểm gì? (Ảnh minh họa)
Trong trường hợp này, người lao động có 03 quyền lợi sau đây:
(i) Người lao động được hưởng chế độ ốm đau trong thời gian nghỉ
Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc có con ốm đau, nghỉ việc có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì được hưởng chế độ ốm đau theo các điều từ Điều 24 đến Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
(ii) Người lao động và doanh nghiệp không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Việc không phải đóng các khoản bảo hiểm này, giúp người lao động giảm được một khoản chi phí khi nghỉ việc dài ngày. Tuy nhiên, thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
(iii) Người lao động vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế, dù người lao động và doanh nghiệp không đóng bảo hiểm y tế trong thời gian người lao động nghỉ theo Khoản 5 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH.
>> Xem thêm công việc pháp lý: Hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau
Theo Khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019, trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo Khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao đông 2019, doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận để người lao động nghỉ không hưởng lương.
Trường hợp người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động (không hưởng lương trong thời gian tạm hoãn) hoặc nghỉ không được hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và doanh nghiệp không phải đóng không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Nhưng, thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, và người lao động cũng không được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.
Lưu ý: Khi nghỉ việc, người lao động nên thực hiện đúng thủ tục xin nghỉ của doanh nghiệp vì, nếu người lao động tự ý nghỉ việc mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu các rủi ro sau đây:
- Trường hợp tự ý nghỉ việc 05 ngày làm việc liên tục trở lên mà không có lý do chính đáng, thì doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo điểm e Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.
- Trường hợp tự ý nghỉ việc 05 ngày công dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng, thì doanh nghiệp có quyền xử lý kỷ luật sa thải người lao động theo Khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019.
>> Xem thêm các công việc và bài viết liên quan:
>> Xử lý kỷ luật sa thải người lao động
>> So sánh quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động