Chưa hết thời hạn nghỉ sinh con mà lao động nữ đi làm lại thì được đóng bảo hiểm như thế nào? – Ngọc Hương (Bình Phước).
>> Khi nào người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?
>> Quỹ bảo hiểm xã hội hình thành từ những nguồn nào?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo khoản 1 và khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Lưu ý: Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Nếu sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
Bên cạnh đó, đối với người lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con cần phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 40 bao gồm:
- Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng;
- Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.
Đối với, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định nhưng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHXH, BHYT.
Do đó, nếu lao động nữ đi làm trước thời hạn thì sẽ nhận được lương của những ngày đi làm, trợ cấp thai sản và phải đóng BHXH, BHYT cho thời gian đi làm sớm.
Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn nghỉ hưởng chế độ thai sản nêu trên.
Như vậy, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn này.
Đóng bảo hiểm cho lao động nữ khi đi làm trước thời hạn nghỉ sinh con (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
>> Xem thêm bài viết: Chính thức tăng mức hưởng thai sản, ốm đau từ ngày 01/7/2023
Về việc đóng BHXH khi người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản, căn cứ vào khoản 6.3 Điều 42 Quy trình thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN); cấp sổ BHXH, thẻ BHYT do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH như sau:
“6.3. Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng BHXH, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ và đơn vị phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.”
Bên cạnh đó, tại khoản 6 Điều 42 Quy trình nêu trên cũng quy định đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
Như vậy, thời gian người lao động quay lại làm việc trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì người lao động và đơn vị sử dụng lao động phải đóng các loại bảo hiểm bao gồm BHXH, BHYT, BHTNLĐ-BNN, BHTN.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN.
Lưu ý: Thời gian không đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được tính vào thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc cho người lao động (theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019).
>> Xem thêm bài viết: Mức đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, TNLĐ-BNN từ ngày 01/10/2022