Có trường hợp nào người lao động không cần đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không? – Mỹ Hảo (Lạng Sơn).
>> Quỹ bảo hiểm xã hội hình thành từ những nguồn nào?
>> Bị tai nạn lao động tại nơi làm việc, doanh nghiệp chịu trách nhiệm gì?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Hiện nay, đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bao gồm những đối tượng sau:
- Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; hợp đồng lao động không xác định thời hạn,…; Cán bộ, công chức, viên chức; Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;...
- Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ;
- Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động…
Do đó, căn cứ theo quy định trên thì người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.
Bên cạnh đó, vì đây là khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc nên việc đóng phải thực hiện theo quy định pháp luật.
Các trường hợp người lao động không phải đóng BHXH bắt buộc (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Mặc dù quy định pháp luật yêu cầu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tuy nhiên trong một số trường hợp người lao động không phải đóng bảo hiểm. Cụ thể:
Theo quy định về việc quản lý đối tượng tham gia BHXH tại khoản 4, 5 và 6 Điều 42 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ – BNN, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017; có 03 trường hợp người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
(1) Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng:
Trong trường hợp này, người lao động không đóng BHXH tháng đó. Đồng thời, thời gian này cũng không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
(2) Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH:
Trường hợp này, người lao động không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
(3) Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng:
Trong trường hợp này, đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
Lưu ý: Nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên mà đơn vị và người lao động thỏa thuận không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo khoản 1 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân; đối với tổ chức thì mức phạt được áp dụng gấp 02 lần theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
>> Xem thêm các công việc:
>> Tiền lương tháng tính đóng các loại bảo hiểm
>> Hồ sơ giải quyết chế độ tử tuất