Nguồn hình thành bảo hiểm xã hội từ đâu? Có những quỹ thành phần nào trong bảo hiểm xã hội? – Thùy Chi (Sơn La).
>> Bị tai nạn lao động tại nơi làm việc, doanh nghiệp chịu trách nhiệm gì?
>> Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính như thế nào?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Bảo hiểm xã hội được biết đến là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Trong đó, Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Dựa trên khái niệm về quỹ bảo hiểm xã hội và quy định tại Điều 82 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành từ các nguồn bao gồm:
- Người sử dụng lao động đóng;
- Người lao động đóng;
- Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ;
- Hỗ trợ của Nhà nước; và
- Các nguồn thu hợp pháp khác.
Bên cạnh đó, quỹ bảo hiểm xã hội chia thành 03 quỹ thành phần được quy định tại Điều 83 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 gồm có:
- Quỹ ốm đau và thai sản;
- Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Quỹ hưu trí và tử tuất.
Tương ứng với các quỹ thành phần, bảo hiểm xã hội có các chế độ sau:
- Đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; và Tử tuất.
- Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ: Hưu trí; và Tử tuất.
Ngoài ra, Chính phủ còn quy định thêm về Bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm xã hội (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Hiện nay, bảo hiểm xã hội được thực hiện dựa trên 05 nguyên tắc được quy định tại Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, cụ thể như sau:
- Nguyên tắc 1: Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
- Nguyên tắc 2: Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
- Nguyên tắc 3: Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
- Nguyên tắc 4: Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
- Nguyên tắc 5: Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo khoản 1 Điều 90 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được sử dụng để thực hiện 03 nhiệm vụ sau đây:
(1) Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội;
(2) Cải cách thủ tục bảo hiểm xã hội, hiện đại hóa hệ thống quản lý; phát triển, quản lý người tham gia, người thụ hưởng bảo hiểm xã hội; và
(3) Tổ chức thu, chi trả bảo hiểm xã hội và hoạt động bộ máy của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp.
Nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, hằng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ.
Trong đó, định kỳ 03 năm, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định về mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội.
>> Xem thêm các công việc:
>> Tiền lương tháng tính đóng các loại bảo hiểm
>> Hồ sơ giải quyết chế độ tử tuất