Người lao động nghỉ bệnh cần chữa trị dài ngày có được hưởng lương ngày lễ không? Công ty không giải quyết chế độ ốm đau trong trường hợp nào?
>> Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản có được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương không?
>> Mức bồi thường tối đa của bảo hiểm xe máy đối với thiệt hại tài sản là bao nhiêu?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quy định như sau:
Thời gian hưởng chế độ ốm đau
…
2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
Theo quy định trên thì người lao động nghỉ bệnh cần chữa trị dài ngày thì được hưởng chế độ ốm đau tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 2 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019, quy định như sau:
Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
…
2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Do đó, trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì công ty không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, người lao động nghỉ bệnh cần chữa trị dài ngày không được hưởng lương ngày lễ, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
File Word Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất [cập nhật ngày 21/10/2024] |
Người lao động nghỉ bệnh cần chữa trị dài ngày có được hưởng lương ngày lễ không (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây:
(i) Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP.
(ii) Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
(iii) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Căn cứ Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động bao gồm:
1. Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.
2. Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
3. Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động.
4. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
5. Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
6. Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.
7. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
8. Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.
9. Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.
10. Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.