Hiện nay, công việc nào được thuê lại lao động để làm việc? Trường hợp sử dụng lao động thuê lại để làm việc không đúng quy định có bị xử phạt? – Yến Nhi (Hòa Bình).
>> Người lao động dưới 18 tuổi, có được tăng ca?
>> Người lao động nghỉ việc mà không xin phép, công ty có được đuổi việc?
Căn cứ Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP, các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động năm 2023 bao gồm:
- Phiên dịch/Biên dịch/Tốc ký;
- Thư ký/Trợ lý hành chính;
- Lễ tân;
- Hướng dẫn du lịch;
- Hỗ trợ bán hàng;
- Hỗ trợ dự án;
- Lập trình hệ thống máy sản xuất;
- Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông;
- Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất;
- Dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy;
- Biên tập tài liệu;
- Vệ sĩ/Bảo vệ;
- Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại;
- Xử lý các vấn đề tài chính, thuế;
- Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô;
- Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất;
- Lái xe;
- Quản lý, vận hành, bảo dưỡng và phục vụ trên tàu biển;
- Quản lý, giám sát, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và phục vụ trên giàn khoan dầu khí;
- Lái tàu bay, phục vụ trên tàu bay/Bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay/Điều độ, khai thác bay/Giám sát bay.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |
Năm 2023, những công việc nào được thuê lại lao động để làm việc?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 13 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, trường hợp bên thuê lại lao động có hành vi sử dụng lao động thuê lại để làm việc không đúng quy định sẽ bị xử phạt như sau:
Điều 13. Vi phạm quy định về cho thuê lại lao động
…
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với bên thuê lại lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng lao động thuê lại để làm những công việc không thuộc danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động;
b) Sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hoặc Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hết hiệu lực;
c) Sử dụng lao động thuê lại để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
d) Sử dụng lao động thuê lại để thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ; vì lý do kinh tế hoặc chia; tách; hợp nhất; sáp nhập;
đ) Chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác;
e) Sử dụng lao động thuê lại nhưng không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
g) Sử dụng lao động thuê lại không thuộc một trong các trường hợp sau: đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân; có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
…
Như vậy, trường hợp bên thuê lại lao động có hành vi sử dụng lao động thuê lại để làm việc không đúng quy định nêu trên có thể bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Lưu ý: Mức phạt trên là mức phạt áp dụng với bên thuê lại lao động là cá nhân vi phạm, trường hợp bên thuê lại lao động là tổ chức vi phạm thì mức phạt áp dụng là từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng (căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Căn cứ Điều 57 Bộ luật Lao động 2019, quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động khi sử dụng lao động thuê lại được quy định như sau:
- Thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình.
- Không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.
- Thỏa thuận với người lao động thuê lại về làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
- Thỏa thuận với người lao động thuê lại và doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp hợp đồng lao động của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt.
- Trả lại người lao động thuê lại không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động.
- Cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại để xem xét xử lý kỷ luật lao động.