Công ty đang có kế hoạch cử tôi đi công tác xa. Vậy nếu tôi từ chối không đi thì có bị đuổi việc hay không? – Tuấn Hiếu (Bình Dương).
>> Công ty có được ký hợp đồng lao động với lao động nữ đang mang thai?
>> Bị sếp quấy rối tình dục nơi công sở, người lao động phải làm gì?
Tôi hiện là nhân viên kế toán cho một công ty tại Bình Dương. Tuy nhiên, công ty đang dự định cử tôi đi công tác ở Sơn La trong thời gian sắp tới. Trong khi đó, địa điểm làm việc được ghi cụ thể trong hợp đồng lao động là tại trụ sở chính của công ty ở Bình Dương và không có thỏa thuận nào về việc đi công tác xa trong tương lai. Vậy nếu tôi từ chối không đi, liệu có nguy cơ bị sa thải không?
Căn cứ Điều 28 Bộ luật Lao động 2019, thực hiện công việc theo hợp đồng lao động được quy định như sau:
"Điều 28. Thực hiện công việc theo hợp đồng lao động
Công việc theo hợp đồng lao động phải do người lao động đã giao kết hợp đồng thực hiện. Địa điểm làm việc được thực hiện theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác."
Đồng thời, khoản 3 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
"Điều 3. Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động
Nội dung chủ yếu phải có của hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
...
3. Công việc và địa điểm làm việc được quy định như sau:
.... b) Địa điểm làm việc của người lao động: địa điểm, phạm vi người lao động làm công việc theo thỏa thuận; trường hợp người lao động làm việc có tính chất thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi đầy đủ các địa điểm đó."
Căn cứ quy định nêu trên thì việc công ty chuyển người lao động đi công tác xa tại nơi mà không phải địa điểm làm việc thỏa thuận trong hợp đồng lao động, đồng thời không có thỏa thuận về việc người lao động sẽ đi công tác xa theo sự phân công, điều chuyển của công ty thì được xem là thay đổi địa điểm làm việc của người lao động.
Lúc này, công ty muốn chuyển người lao động đi công tác xa sẽ cần thỏa thuận với người lao động. Như vậy, người lao động trong trường hợp này sẽ có quyền từ chối yêu cầu đi công tác xa mà công ty đưa ra.
Theo đó, việc công ty sa thải người lao động vì lý do người lao động từ chối đi công tác xa là hành vi sa thải người lao động trái quy định pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Mục 3 bên dưới.
Mặt khác, căn cứ Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động cũng không được phép sử dụng người lao động đi công tác xa trong các trường hợp sau:
- Người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
- Người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
Như vậy, dù hợp đồng lao động có thỏa thuận về việc người lao động sẽ đi công tác xa theo phân công, điều chuyển của người sử dụng lao động do tính chất công việc nhưng nếu thuộc một trong các trường hợp trên thì người lao động cũng có quyền từ chối việc đi công tác xa do người sử dụng lao động yêu cầu.
Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Năm 2023, người lao động từ chối đi công tác xa, có bị đuổi việc? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ điểm a, điểm b khoản 2 Điều 28 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, công ty có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu sử dụng người lao động đi công tác trong các trường hợp sau:
- Sử dụng người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đi công tác xa;
- Sử dụng người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi đi công tác xa, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
Theo quy định tại điểm c khoản 3, khoản 4 Điều 19 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, trường hợp công ty sa thải do người lao động từ chối đi công tác xa trái quy định pháp luật nêu trên thì có thể bị xử lý như sau:
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng;
- Buộc công ty nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động tương ứng với những ngày nghỉ việc khi người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.