Cán bộ công đoàn tại công ty bao gồm những ai? Cán bộ công đoàn được hưởng những quyền lợi gì hơn so với người lao động? – Hoàng Thiên (Bình Phước).
>> Năm 2023, người lao động làm việc không hiệu quả, công ty phải xử lý thế nào?
>> Năm 2023, có được nhờ người khác làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Cán bộ công đoàn tại công ty bao gồm cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách, cụ thể:
- Cán bộ công đoàn chuyên trách là người được tuyển dụng, bổ nhiệm để đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức công đoàn.
- Cán bộ công đoàn không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm được Đại hội công đoàn, Hội nghị công đoàn các cấp bầu ra hoặc được Ban chấp hành công đoàn chỉ định, bổ nhiệm vào chức danh từ Tổ phó tổ công đoàn trở lên.
(Căn cứ khoản 4, 5 Điều 5 Luật Công đoàn 2012).
Căn cứ khoản 4 Điều 24 Luật Công đoàn 2012, cán bộ công đoàn không chuyên trách tại công ty sẽ do công ty trả lương và được hưởng phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Mức phụ cấp trách nhiệm mà cán bộ công đoàn cơ sở tại công ty xem chi tiết tại Điều 3 Quyết định 5692/QĐ-TLĐ năm 2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023).
Căn cứ khoản 1 Điều 25 Luật Công đoàn 2012 và khoản 1 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp hợp đồng lao động hết hạn mà người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ thì hợp đồng lao động không bị chấm dứt mà phải được gia hạn cho đến hết nhiệm kỳ của người này.
Trong trường hợp này, việc gia hạn hợp đồng lao động phải được tiến hành thông qua việc giao kết hợp đồng lao động mới, không được ký phụ lục (căn cứ khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động 2019).
Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải hoặc buộc thôi việc đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách. Cụ thể tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 Luật Công đoàn 2012 quy định như sau:
Ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải hoặc buộc thôi việc (thời hạn báo trước, họp xử lý kỷ luật lao động,...) như đối với người lao động bình thường theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 thì công ty còn cần phải:
- Có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản giữa công ty với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
- Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cáo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, công ty mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Ngoài ra, trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật thì công đoàn có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp. Nếu được ủy quyền thì công đoàn đại diện khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn; đồng thời hỗ trợ tìm việc làm mới và trợ cấp trong thời gian gián đoạn việc làm theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Năm 2023, cán bộ công đoàn tại công ty được hưởng những quyền lợi nào? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 24 Luật Công đoàn 2012, người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng thời gian làm việc hoặc nghỉ làm việc để thực hiện các công tác của công đoàn mà vẫn được công ty trả lương, cụ thể như sau:
- Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 01 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được công ty trả lương.
Tuỳ theo quy mô công ty mà Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và công ty có thể thoả thuận về thời gian tăng thêm.
- Cán bộ công đoàn không chuyên trách được nghỉ làm việc và được hưởng lương do công ty chi trả trong những ngày tham dự cuộc họp, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập; chi phí đi lại, ăn ở và sinh hoạt trong những ngày tham dự cuộc họp, tập huấn do cấp công đoàn triệu tập chi trả.
Công đoàn cơ sở tại công ty được thành lập nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động và cán bộ công đoàn (hay là thành viên ban lãnh đạo công đoàn) chính là tiếng nói vì quyền lợi của người lao động.
Như vậy, pháp luật trao quyền cho cán bộ công đoàn trong rất nhiều vấn đề liên quan đến chế độ quyền lợi của người lao động có thể kể đến như sau:
- Được công ty tham khảo ý kiến khi xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế thưởng và định mức lao động.
- Được công ty lấy ý kiến trước khi ban hành nội quy lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động.
- Tham gia xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động bị kỷ luật là thành viên của công đoàn.
- Được tham khảo ý kiến trước khi công ty tạm đình chỉ công việc đối với người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên của công đoàn.
- Được lấy ý kiến để xây dựng thỏa ước lao động tập thể ngành
- Đại diện cho tập thể người lao động tham gia đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể...