Lao động nước ngoài có được gia nhập công đoàn không? Hồ sơ, trình tự gia nhập công đoàn được quy định như thế nào? Trách nhiệm của đoàn viên công đoàn được quy định ra sao?
>> Thị trường lao động bao gồm những nội dung gì?
>> Mức lương cơ sở 2025 là bao nhiêu? Các khoản trợ cấp nào sẽ áp dụng mức lương cơ sở 2025?
Căn cứ Điều 5 Luật Công đoàn 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2025), quy định quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn như sau:
Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn
1. Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
2. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.
3. Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, kể từ 01/07/2025, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.
Tổng hợp toàn bộ biểu mẫu về quy trình giải quyết hưởng chế độ BHXH mới nhất |
Lao động nước ngoài được gia nhập công đoàn từ ngày 01/7/2025
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Luật Công đoàn 2024, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp mà tự nguyện, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Hồ sơ gia nhập Công đoàn Việt Nam bao gồm:
(i) Văn bản đề nghị gia nhập Công đoàn Việt Nam.
(ii) Bản sao các văn bản thể hiện tính hợp pháp của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
(iii) Văn bản thể hiện việc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp quyết định gia nhập Công đoàn Việt Nam; thể thức thông qua quyết định gia nhập Công đoàn Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
(iv) Danh sách có chữ ký của thành viên tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
(v) Văn bản, thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc giải quyết các quyền, nghĩa vụ của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và thành viên của tổ chức mình có liên quan đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Luật Công đoàn 2024, trình tự và thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam được thực hiện như sau:
(i) Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gửi hồ sơ quy định tại Mục 2.1 đến công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương có thẩm quyền.
(ii) Khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Mục 2.1, công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương có thẩm quyền xem xét, công nhận việc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam; trường hợp không công nhận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Căn cứ Điều 22 Luật Công đoàn 2024, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn được quy định như sau:
(i) Chấp hành và thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết, các quy định của Công đoàn; tham gia hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn vững mạnh.
(ii) Học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong làm việc; rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân; sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.
(iii) Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp trong lao động và trong cuộc sống; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức Công đoàn; tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.