Khoản đóng bảo hiểm nhân thọ có được trừ vào thu nhập chịu thuế TNCN hay không? Khoản thu nhập từ lãi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có được miễn thuế TNCN?
>> Các trường hợp lao động nước ngoài phải đóng BHXH, thuế TNCN
Tại Công văn 8974/CTHN-TTHT ngày 23/02/2024 của Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hà Nội hướng dẫn về vấn đề này như sau:
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, quy định các khoản đóng bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc là khoản chi đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện được giảm trừ khi tính thuế TNCN.
Theo đó, khoản tiền mua bảo hiểm nhân thọ không phải là bảo hiểm mang tính bắt buộc tham gia nên không thuộc các khoản đóng bảo hiểm được giảm trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNCN theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
[TIỆN ÍCH] Tính thuế thu nhập cá nhân 2024 |
Khoản tiền mua bảo hiểm nhân thọ không được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế TNCN
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ tiết đ.2 điểm đ khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC), hướng dẫn về các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công như sau:
Khoản tiền do công ty mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm; mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện hoặc đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động là các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công khi tính thuế TNCN.
Khi đó, căn cứ tính thuế và đối tượng thực hiện khấu trừ thuế thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 92/2015/TT-BTC.
Trường hợp công ty mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm (kể cả trường hợp mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam) thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.
Bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm gồm các sản phẩm bảo hiểm như: bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ (không bao gồm sản phẩm bảo hiểm tử kỳ có hoàn phí), ... mà người tham gia bảo hiểm không nhận được tiền phí tích lũy từ việc tham gia bảo hiểm, ngoài khoản tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm trả.
Căn cứ tiết g2 điểm g khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là khoản thu nhập được miễn thuế TNCN. Cụ thể là khoản lãi mà cá nhân nhận được theo hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ của các doanh nghiệp bảo hiểm
Căn cứ để xác định thu nhập miễn thuế đối với thu nhập từ lãi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là chứng từ trả tiền lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Điều 2. Đối tượng nộp thuế - Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam. 2. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam; b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn. 3. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này. |