Sắp tới tôi có dự định xin nghỉ việc để về quê. Vì không quay lại thành phố nữa, tôi muốn nhận lương ngay sau khi nghỉ việc có được không? – Quốc Bảo (Quảng Ngãi).
>> Cách xử lý khi hợp đồng lao động bị vô hiệu một phần?
>> Được sử dụng người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi làm việc ban đêm, thêm giờ khi nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao dộng 2019 quy định:
Điều 48. Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
Như vậy, nếu bạn muốn nghỉ việc liền để về quê thì cần xin phép công ty, và có hai trường hợp xảy ra như sau:
- Nếu công ty đồng ý cho phép bạn nghỉ và bạn muốn nhận lương ngay thì thỏa thuận với công ty để được nhận lương ngay, nếu công ty không đồng ý thì bạn chờ thời hạn thanh toán lương theo quy định.
- Nếu công ty không đồng ý cho bạn nghỉ thì bạn phải tuân thủ theo quy định về thông báo chấm dứt hợp đồng (đối với hợp đồng xác định thời hạn thì 30 ngày, hợp đồng không xác định thời hạn thì 45 ngày), còn nếu công ty không đồng ý mà bạn vẫn nghỉ thì phải chịu hậu quả theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất |
Khi nghỉ việc, người lao động có được nhận lương liền lúc đó? – (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 6 và khoản 2, khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, công ty có hành vi chậm trả lương cho nhân viên thì bị áp dụng mức xử phạt hành chính như sau:
(i) Phạt tiền
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Như vậy, tùy vào số lượng nhân viên bị trả lương chậm mà công ty sẽ bị áp dụng các mức phạt tiền khác nhau.
(ii) Biện pháp khắc phục hậu quả
Ngoài hình thưc phạt tiền nêu tại đoạn (i) còn buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Căn cứ Điều 97 Bộ luật Lao động 2019, kỳ hạn trả lương được quy định như sau:
- Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
- Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
- Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
- Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.