Hết thời gian thử việc, công ty vẫn giữ tôi lại làm việc nhưng không ký hợp đồng lao động thì tôi có được xem là đã trở thành nhân viên chính thức của công ty? – Hồ Quy (Lâm Đồng).
>> Làm chưa đủ 12 tháng thì nghỉ, NLĐ có được hưởng trợ cấp thôi việc không?
>> 11 lưu ý về nội quy lao động: Doanh nghiệp cần phải biết
Sau khi hết 2 tháng thử việc, công ty không đề cập gì đến kết quả thử việc cũng như việc ký hợp đồng lao động với tôi nhưng cũng không yêu cầu tôi nghỉ việc. Do đó, tôi vẫn tiếp tục làm việc tại công ty trong hơn nửa tháng qua kể từ ngày hết thời gian thử việc. Vậy tôi có được xem là đã trở thành nhân viên chính thức của công ty không?
Tại Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
“Điều 27. Kết thúc thời gian thử việc
1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.”
Như vậy, có thể thấy, Bộ luật Lao động 2019 chưa có quy định cụ thể về trường hợp sau khi hết thời gian thử việc, công ty vẫn giữ người lao động lại làm việc mà không ký hợp đồng lao động thì người lao động có được xem là nhân viên chính thức hay không.
Tuy nhiên, theo Án lệ số 20/2018/AL về xác lập quan hệ hợp đồng lao động sau khi hết thời gian thử việc: Trường hợp kết thúc thời gian thử việc, người lao động không nhận được thông báo kết quả thử việc cũng như hai bên không ký hợp đồng lao động và không có thỏa thuận khác về việc kéo dài thời hạn thử việc nhưng người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải xác định người lao động và người sử dụng lao động đã xác lập quan hệ hợp đồng lao động.
Mặc dù Án lệ số 20/2018/AL căn cứ quy định tại Bộ luật Lao động 2012 (đã hết hiệu lực từ ngày 01/01/2021), hiện nay Bộ luật Lao động 2019 đang có hiệu lực thi hành nhưng giữa hai Bộ luật không có sự khác biệt lớn về nội dung này. Do đó, vẫn có thể áp dụng tinh thần của Án lệ số 20/2018/AL cho trường hợp của bạn.
Như vậy, sau khi hết 02 tháng thử việc, dù công ty không ký kết hợp đồng lao động với bạn nhưng vẫn giữ bạn lại tiếp tục làm việc trong hơn nửa tháng kể từ ngày hết thời gian thử việc thì được xem là đã xác lập quan hệ hợp đồng lao động với công ty (trở thành nhân viên chính thức).
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ ngày 20/6/2023) |
Hết thử việc, tiếp tục làm mà không ký hợp đồng lao động, có được coi là nhân viên chính thức?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Công ty có nghĩa vụ thông báo kết quả thử việc cho người lao động khi kết thúc thời gian thử việc (theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Bộ luật Lao động 2019).
Theo đó, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 10 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, trường hợp công ty không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Đối với hành vi không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu trong trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc, công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc công ty giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
(Căn cứ điểm d khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).