Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng có hiệu lực bao lâu? Các trường hợp thu hồi chứng chỉ năng lực bao gồm? Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực là gì?
>> Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất như thế nào?
Căn cứ khoản 6 Điều 94 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, hiệu lực chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng như sau:
Năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức
…
6. Chứng chỉ năng lực có hiệu lực 10 năm hoặc theo thời hạn ghi trên văn bản về thành lập tổ chức do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng không quá 10 năm khi cấp mới. Trường hợp cấp lại thì ghi thời hạn theo chứng chỉ được cấp trước đó.
…
Như vậy, chứng chỉ năng lực có hiệu lực 10 năm hoặc theo thời hạn ghi trên văn bản thành lập của tổ chức nhưng cũng không quá 10 năm khi cấp mới.
File word Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực (Cập nhật ngày 01/11/2023) |
Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng có hiệu lực bao lâu
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 95 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, chứng chỉ năng lực bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau:
(i) Tổ chức được cấp chứng chỉ năng lực chấm dứt hoạt động xây dựng, giải thể hoặc phá sản.
(ii) Không còn đáp ứng đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng đối với lĩnh vực được cấp chứng chỉ theo quy định.
(iii) Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ năng lực.
(iv) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng chứng chỉ năng lực.
(v) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung chứng chỉ năng lực.
(vi) Chứng chỉ năng lực được cấp không đúng thẩm quyền.
(vii) Chứng chỉ năng lực bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp chứng chỉ năng lực.
(viii) Chứng chỉ năng lực được cấp khi không đủ điều kiện năng lực theo quy định.
(ix) Khi cơ quan có thẩm quyền kiến nghị thu hồi chứng chỉ năng lực.
Căn cứ khoản 1 Điều 101 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực có các quyền sau đây:
(i) Yêu cầu được cung cấp thông tin về việc cấp chứng chỉ năng lực.
(ii) Được hoạt động xây dựng trên phạm vi cả nước theo nội dung quy định được ghi trên chứng chỉ năng lực.
(iii) Khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về cấp và sử dụng chứng chỉ năng lực.
Căn cứ khoản 2 Điều 101 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực có các nghĩa vụ sau đây:
(i) Khai báo trung thực hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ năng lực theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác, hợp pháp của các tài liệu trong hồ sơ do mình cung cấp khi đề nghị cấp chứng chỉ; cung cấp thông tin khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; nộp lệ phí theo quy định.
(ii) Hoạt động đúng với lĩnh vực, phạm vi hoạt động ghi trên chứng chỉ năng lực được cấp, tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
(iii) Duy trì, đảm bảo điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức theo chứng chỉ năng lực được cấp.
(iv) Không được tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ năng lực.
(v) Người đại diện theo pháp luật của tổ chức xuất trình chứng chỉ năng lực và chấp hành các yêu cầu về thanh tra, kiểm tra khi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
|