Người nhập khẩu có trách nhiệm gì trong việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho ô tô và linh kiện ô tô mà mình nhập khẩu? – Linh Nhâm (Đồng Nai).
>> Hướng dẫn cưỡng chế đối với doanh nghiệp nợ thuế trên 90 ngày
>> Quy định về việc triệu hồi ô tô nhập khẩu bị lỗi kỹ thuật
Ngày 16/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2023/NĐ-CP quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo đó, Nghị định này cũng quy định về trách nhiệm của người nhập khẩu và của cơ quan kiểm tra trong việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu như sau:
Trách nhiệm của người nhập khẩu được quy định tại Điều 9 Nghị định 60/2023/NĐ-CP như sau:
- Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác, hợp lệ và hợp pháp của các hồ sơ tài liệu đã cung cấp cho cơ quan kiểm tra.
- Chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa do mình nhập khẩu.
- Bảo đảm giữ nguyên trạng ô tô nhập khẩu để cơ quan kiểm tra thực hiện việc kiểm tra.
- Phối hợp với cơ quan kiểm tra trong quá trình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Trường hợp xảy ra sự cố giao dịch điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, người nhập khẩu phải thông báo cho cơ quan quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia để phối hợp giải quyết.
- Nộp các khoản phí, lệ phí, giá dịch vụ theo quy định của pháp luật.
- Báo cáo bằng văn bản đến cơ quan kiểm tra theo định kỳ hằng năm và ngay sau thời gian kết thúc triệu hồi theo kế hoạch.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Trách nhiệm của người nhập khẩu ô tô theo Nghị định 60/2023/NĐ-CP
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Cơ quan kiểm tra là Cục Đăng kiểm Việt Nam, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 60/2023/NĐ-CP (căn cứ khoản 17 Điều 3 Nghị định 60/2023/NĐ-CP.
Trách nhiệm của cơ quan kiểm tra được quy định cụ thể tại Điều 10 Nghị định 60/2023/NĐ-CP như sau:
- Thống nhất phát hành, quản lý Giấy chứng nhận và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, chứng nhận.
- Thực hiện kiểm tra đột xuất lô hàng linh kiện nhập khẩu khi phát hiện hoặc có khiếu nại, tố cáo về chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
- Phối hợp với người nhập khẩu và cơ quan quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia để xử lý sự cố giao dịch điện tử theo quy định.
- Thu các khoản phí, lệ phí, giá dịch vụ liên quan tới việc kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận chất lượng theo quy định của pháp luật.
- Lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật.
- Tổng hợp kết quả kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu để báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
Khi áp dụng quy định tại Nghị định 60/2023/NĐ-CP, người nhập khẩu ô tô và linh kiện ô tô cần lưu ý về hiệu lực thi hành của văn bản này, cụ thể như sau:
- Nghị định 60/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2023 và áp dụng cụ thể cho các đối tượng như sau:
+ Đối với linh kiện: Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tức là ngày 01/10/2023.
+ Đối với ô tô: Kể từ ngày 01/8/2025.
- Các linh kiện và ô tô nhập khẩu có thời điểm về đến cảng, cửa khẩu Việt Nam trước ngày hiệu lực được nêu bên trên thì không áp dụng quy định tại Nghị định 60/2023/NĐ-CP.
(Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Nghị định 60/2023/NĐ-CP).