Tra cứu Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài việc phải đáp ứng các quy định chung về đăng ký kinh doanh thì đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện nhất định. Tiện ích Tra cứu ngành nghề kinh doanh có điều kiện được xây dựng nhằm giúp Quý khách hàng thuận tiện trong việc nắm bắt thông tin về điều kiện, hồ sơ, thủ tục để tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các ngành nghề yêu cầu điều kiện cụ thể.
Điều kiện để được kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô
Ô tô là loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chạy bằng động cơ, có từ bốn bánh xe trở lên, không chạy trên đường ray và thường được dùng để chở người và/hoặc hàng hóa, kéo các rơ moóc, sơmi rơ moóc; bao gồm các chủng loại ô tô con, ô tô khách, ô tô tải và ô tô chuyên dùng.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô, thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
I. Điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô:
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Nhà xưởng được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp.
2. Mặt bằng, nhà xưởng đảm bảo phục vụ việc thực hiện bảo hành, bảo dưỡng: được xây dựng chắc chắn; có mái che, cửa ra vào (nếu có) thuận tiện; được bố trí thông thoáng hoặc có hệ thống thông gió; có hệ thống chiếu sáng phù hợp.
Chiều cao của cửa ra vào nhà xưởng, các vị trí bảo dưỡng, sửa chữa, lối đi dành cho xe di chuyển trong xưởng phù hợp cho các xe lưu thông thuận tiện và đủ không gian để thực hiện các thao tác cần thiết trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa.
3. Có các khu vực thực hiện các công việc tiếp nhận, bàn giao, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra xuất xưởng, có nhà điều hành, kho linh kiện, phụ kiện, khu vực rửa xe đáp ứng được công việc.
Cụ thể:
- Khu vực tiếp nhận, bàn giao được phép sử dụng chung với nhà xưởng và không bắt buộc phải nằm trong nhà.
- Khu vực bảo dưỡng, sửa chữa phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn để thực hiện các công việc liên quan đến động cơ, hệ thống truyền lực, hệ thống chuyển động, hệ thống phanh, hệ thống lái, hệ thống treo, hệ thống điện, hệ thống đèn chiếu sáng, tín hiệu, hệ thống điều hòa của xe.
Nếu bố trí khu vực sơn, khu vực rửa xe trong cùng nhà xưởng với các khu vực khác, cần có giải pháp ngăn cách các khu vực này để không ảnh hưởng tới các khu vực xung quanh.
4. Có đầy đủ các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Các trang thiết bị đo lường phục vụ công việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đo lường.
5. Có thiết bị chẩn đoán động cơ, tình trạng kỹ thuật của xe (đối với ô tô có trang bị bộ điều khiển điện tử) phù hợp với các loại xe do cơ sở thực hiện bảo hành, bảo dưỡng. Phần mềm thiết bị chẩn đoán phải tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ.
6. Có đội ngũ nhân lực và hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng cho việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Đối với nhân lực:
- Cơ sở cần có ít nhất một người phụ trách kỹ thuật (có bằng, chứng chỉ đào tạo liên quan đến kỹ thuật về bảo dưỡng, sửa chữa xe hoặc tương đương và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm;
- Các kỹ thuật viên thực hiện việc kiểm tra xuất xưởng cần nắm vững các quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, sử dụng thành thạo các thiết bị kiểm tra xuất xưởng;
- Các kỹ thuật viên có khả năng thực hiện thành thạo các công việc được giao, số lượng kỹ thuật viên tùy thuộc vào quy mô của Cơ sở nhưng tại mỗi vị trí làm việc cần có ít nhất một kỹ thuật viên.
- Các kỹ thuật viên thực hiện nhiệm vụ chạy thử xe phải có giấy phép lái xe phù hợp, còn hiệu lực (mỗi vị trí làm việc cần có ít nhất một kỹ thuật viên).
Hình từ Internet
Đối với hệ thống quản lý chất lượng
- Quy định về thực hiện công việc và các biểu mẫu
+ Cơ sở cần xây dựng và áp dụng quy định về thực hiện công việc và các biểu mẫu sử dụng trong hoạt động thực tế;
+ Quy định về thực hiện công việc do Cơ sở xây dựng, phù hợp với quy mô, mô hình hoạt động trong đó quy định được trách nhiệm, nội dung cụ thể và được phân chia thành các bước công việc từ khi tiếp nhận xe đầu vào đến khi kiểm tra chất lượng xuất xưởng và bàn giao lại xe cho khách hàng, đáp ứng được việc quản lý về chất lượng bảo dưỡng, sửa chữa và phụ tùng thay thế, phù hợp với quy định của cơ sở sản xuất, lắp ráp, thương nhân nhập khẩu (nếu có).
- Quy định về bảo hành sau bảo dưỡng, sửa chữa
+ Cơ sở có trách nhiệm đảm bảo các phụ tùng do Cơ sở cung cấp cho khách hàng có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng;
+ Cơ sở có cam kết về việc bảo hành các hạng mục bảo dưỡng, sửa chữa và phụ tùng do Cơ sở cung cấp. Cam kết này được Cơ sở thông tin đầy đủ, công khai đến khách hàng.
- Hệ thống lưu trữ hồ sơ
Cơ sở cần xây dựng quy định và thực hiện việc lưu trữ hồ sơ dịch vụ của các xe vào xưởng, bao gồm các nội dung sau:
+ Bộ phận chịu trách nhiệm lưu trữ;
+ Các loại hồ sơ, tài liệu phải lưu trữ và phương pháp lưu trữ tương ứng đối với từng hồ sơ, tài liệu, trong đó việc lưu trữ được thực hiện trên máy tính và trên giấy; Cơ sở lưu trữ được các hồ sơ liên quan đến công tác bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa và thể hiện được các nội dung sau; biển số (nếu có), số khung (số VIN), ngày vào xưởng, ngày ra xưởng, nội dung công việc thực hiện;
+ Thời gian lưu trữ: tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày phương tiện được xuất xưởng.
7. Có cam kết về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô của:
- Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước (trong trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước); hoặc
- Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài (trong trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô).
II. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô gồm:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô (Mẫu số 12 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP): 01 bản chính;
2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương: 01 bản sao;
3. Bản kê khai năng lực cơ sở vật chất của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô (Mẫu số 13 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP): 01 bản chính;
4. Tài liệu chứng minh cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, 5 và 7 Điều 21 Nghị định 116/2017/NĐ-CP: 01 bản sao.
Nơi nhận – cách thức:
Doanh nghiệp nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác tới Cục Đăng kiểm Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải (Cơ quan kiểm tra).
Thời hạn giải quyết:
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan kiểm tra có văn bản yêu cầu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng bổ sung, hoàn thiện.
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan kiểm tra thông báo thời gian và tiến hành kiểm tra, đánh giá thực tế cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Thời hạn kiểm tra không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày thông báo.
Ngay sau khi kết thúc kiểm tra, Cơ quan kiểm tra thông báo kết quả kiểm tra cho cơ sở bảo hành, bảo dưỡng biết và có các biện pháp khắc phục các hạng mục chưa đạt yêu cầu (nếu có).
- Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô được cấp trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thẩm định hồ sơ và kiểm tra thực tế đạt yêu cầu. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận, Cơ quan kiểm tra trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày đánh giá lần đầu, nếu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng không khắc phục các hạng mục chưa đạt yêu cầu thì kết quả đánh giá và hồ sơ đăng ký của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng sẽ bị hủy và Cơ quan kiểm tra thông báo bằng văn bản tới cơ sở bảo hành, bảo dưỡng.
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.
Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
- Từ khóa:
- bảo hành xe ô tô
- bảo dưỡng xe ô tô
Công việc tương tự:
- Kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới
- Kinh doanh vận tải đường bộ
- Kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô
- Kinh doanh dịch vụ đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông
- Kinh doanh dịch vụ sát hạch lái xe
Bài viết liên quan:
- Quy chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và BVMT với xe máy chuyên dùng có hiệu lực từ 01/7/2024
- Thủ tục cấp GCN chất lượng an toàn kỹ thuật và BVMT xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu 2024
- Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 24/08/2023
- Trách nhiệm của người nhập khẩu ô tô theo Nghị định 60/2023/NĐ-CP
- Cấp lại Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu
Câu hỏi thường gặp:
- Có phải sắp tới sẽ thu hồi xe máy, ô tô cũ hay không?
- Việc cấp đổi, cấp lại Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô năm 2023 được quy định thế nào?
- Việc cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô năm 2023 được quy định thế nào?
Bài viết liên quan:
- Quy chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và BVMT với xe máy chuyên dùng có hiệu lực từ 01/7/2024
- Thủ tục cấp GCN chất lượng an toàn kỹ thuật và BVMT xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu 2024
- Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 24/08/2023
- Trách nhiệm của người nhập khẩu ô tô theo Nghị định 60/2023/NĐ-CP
- Cấp lại Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu