Công ty tôi đang nghiên cứu về loại sơn sàn, sơn nền nhà xưởng (Sơn epoxy). Hiện nay, Tiêu chuẩn Quốc gia nào hướng dẫn về Sơn epoxy? Xin giải đáp. – Xuân Nam (Thái Bình).
>> Quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 03/11/2023
Hiện nay, đang áp dụng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9014:2011 về Sơn epoxy. Theo đó, Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9014:2011 có những nội dung đáng chú ý sau đây:
Các tài liệu viện dẫn sau đây là rất cần thiết khi áp dụng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9014:2011. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 2090 (ISO 15528), Sơn, vecni và nguyên liệu cho sơn và vecni - Lấy mẫu.
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 2091 (ISO 1524), Sơn, vecni và mực in - Xác định độ nghiền mịn.
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 2096, Sơn - Phương pháp xác định thời gian khô và độ khô.
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 2100-2 (ISO 6272-2), Sơn và vecni - Phép thử biến dạng nhanh (độ bền va đập) - Phần 2: Phép thử tải trọng rơi, vết lõm có diện tích nhỏ.
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 2101 (ISO 2813), Sơn và vecni - Xác định độ bóng phản quang của màng sơn không chứa kim loại ở góc 20°, 60° và 85°.
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5669 (ISO 1513), Sơn và vecni - Kiểm tra và chuẩn bị mẫu thử.
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5670 (ISO 1514) Sơn và vecni - Tấm chuẩn để thử.
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 7764-2 (ISO 6353-2), Thuốc thử dùng trong phân tích hóa học - Phần 2: Yêu cầu kỹ thuật - Seri thứ nhất.
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 8792:2011, Sơn và lớp phủ bảo vệ kim loại - Phương pháp thử mù muối.
ISO 2808, Paint and varnish - Determination of dry film thickness (Sơn và vecni - Xác định chiều dày màng sơn khô).
Toàn văn File Word Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cùng các văn bản hướng dẫn (đang có hiệu lực thi hành) |
Ảnh chụp một phần Lược đồ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006
Sơn epoxy được chia thành hai loại theo mục đích sử dụng:
- Loại 1: chiều dày lớp phủ tiêu chuẩn khoảng 30 µm và được sử dụng cho kết cấu thép và các kết cấu bằng kim loại của công trình. Có loại phủ trên và loại phủ dưới.
- Loại 2: sơn phủ loại dày có độ dày khoảng 60 µm đến 120 µm, được sử dụng phòng chống gỉ trong thời gian dài của kết cấu thép. Có loại phủ trên và loại phủ dưới.
3.1. Điều kiện chung đối với phép thử
- Phép thử được thực hiện ở nhiệt độ thông thường trong phòng thử nghiệm, không có ánh sáng mặt trời trực tiếp, ít chịu ảnh hưởng bởi khí, hơi và bụi.
- Việc trộn các thành phần chính và chất đóng rắn phải theo hướng dẫn cho sản phẩm đó.
- Mẫu đã trộn phải được để yên 30 min trong thùng chứa có nắp.
- Mẫu đã trộn, mỗi lần sau khi trộn kỹ bằng cách khuấy, phải được sơn ngay. Không sử dụng mẫu để lâu quá 5 h kể từ khi bắt đầu trộn.
- Tấm thử:
+ Trừ khi có quy định khác, tấm thử phải là tấm thép phù hợp với TCVN 5670 (ISO 1514), có kích thước (150 x 70 x 0,8) mm.
+ Chuẩn bị và gia công màng sơn
Trừ khi có quy định khác, phương pháp gia công màng sơn là phương pháp phun (phun khí nén), chiều dày màng khô được đo sau khi khô 7 ngày, đối với loại 1 là từ 25 µm đến 35 µm và đối với loại 2 là từ 55 µm đến 65 µm. Nếu cần, sử dụng chất làm loãng theo hướng dẫn cho sản phẩm, nếu có thể pha loãng đến 30 % (khối lượng) của hỗn hợp.
Xác định chiều dày màng sơn khô theo ISO 2808.
- Lượng mẫu cần để xác định các chỉ tiêu là khoảng 600 ml.
3.2. Xác định các chỉ tiêu
- Ổn định trong thùng chứa:
+ Nguyên tắc
Kiểm tra sơn trong thùng chứa có phù hợp với điều kiện sử dụng hay không bằng cách cảm nhận khi khuấy trộn sơn trong thùng, sử dụng dụng cụ khuấy.
+ Cách tiến hành
Mở nắp thùng chứa. Nếu trên bề mặt có màng sơn, lấy màng sơn ra, sau đó sử dụng thìa hoặc que để khuấy trộn kiểm tra sơn.
Nếu một phần nào đó của sơn bị kết tủa dưới đáy thùng chứa, nhưng không đóng cục, sau khi khuấy tan kết tủa bằng que có đầu bịt cao su, trộn khuấy và khi đó toàn bộ sơn trong thùng trở nên đồng nhất, thì đánh giá “khi khuấy trộn sơn trở nên đồng nhất không bị vón cục”.
- Tính đồng nhất:
+ Nguyên tắc
Trộn thành phần chính và chất đóng rắn của sơn theo tỷ lệ quy định cho loại sơn đó. Khuấy để trộn đều. Kiểm tra điều kiện thích hợp để sử dụng được hay không bằng cảm nhận khi tiếp xúc.
+ Thiết bị, dụng cụ
Thiết bị, dụng cụ thông thường trong phòng thử nghiệm và các thiết bị, dụng cụ sau.
- Cân, có độ chính xác 1 g.
- Cốc bằng kim loại có dung tích 300 ml, đường kính trong từ 70 mm đến 80 mm, có nắp đóng kín.
+ Cách tiến hành
Cân từng thành phần của sơn theo tỷ lệ quy định cho sản phẩm. Cho lượng cân vào cốc kim loại có nắp sao cho tổng thể tích khoảng 250 ml, dùng đũa thủy tinh hoặc thìa trộn đều. Sau đó kiểm tra sự đồng nhất.
+ Đánh giá
Nếu toàn bộ mẫu trong cốc là đồng nhất thì mẫu được đánh giá là “hỗn hợp đồng nhất”.
- Độ mịn
Xác định theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 2091 (ISO 1524).
- Thời gian khô
Xác định theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 2096.
- Khả năng thi công sơn
Tấm thử là tấm thép có kích thước (200 x 150 x 0,8) mm, sơn một lần đến chiều dày quy định tại 6.1.5.2, để tấm thử trong thời gian 10 min, kiểm tra bề mặt đã sơn, không thấy hiện tượng chảy thì báo cáo là “không ảnh hưởng đến thi công sơn”.
Xem đầy đủ nội dung của phương pháp thử tại Mục 6 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9014:2011.