Về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phải được thực hiện đảm bảo những quy định tại Điều 57 Luật Đường bộ 2024 được Quốc Hội ban hành ngày 27/06/2024.
>> Một số hành vi vi phạm trong quản lý giá sẽ bị xử phạt đến 160 triệu
>> 04 điều kiện hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh được ghi nhận vào hệ thống đăng ký doanh nghiệp
Theo Điều 57 Luật Đường bộ 2024 quy định vận tải hành khách bằng xe ô tô gồm những nội dung cụ thể dưới đây:
Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có trách nhiệm sau đây:
(i) Thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hành khách.
(ii) Tổ chức khám sức khỏe cho người lái xe kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và sử dụng người lái xe bảo đảm đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật.
(iii) Công bố tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải.
(iv) Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý điều hành và cung cấp dữ liệu về hoạt động vận tải theo quy định của pháp luật.
(v) Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hậu quả mà người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gây ra do thực hiện yêu cầu của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trái quy định của pháp luật.
(vi) Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gây ra theo quy định của pháp luật.
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024] |
Quy định về vận tải hành khách bằng xe ô tô (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Việc vận tải hành khách bằng xe ô tô phải thực hiện quy định tại Điều 56 Luật Đường bộ 2024 và thực hiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Điều 56. Hoạt động vận tải đường bộ
1. Hoạt động vận tải đường bộ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để vận tải người, hàng hóa trên đường bộ trong nước, quốc tế. Hoạt động vận tải đường bộ gồm hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ.
2. Hoạt động vận tải đường bộ trong nước là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để vận tải người, hàng hóa trên đường bộ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
3. Hoạt động vận tải đường bộ quốc tế là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng xe cơ giới để vận tải người, hàng hóa qua lại giữa Việt Nam với các nước. Hoạt động vận tải đường bộ quốc tế phải tuân thủ quy định của Luật này, quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Xe cơ giới hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ quốc tế của nước khác không được vận tải người, hàng hóa có điểm bắt đầu và điểm kết thúc cùng nằm trên lãnh thổ Việt Nam.
4. Kinh doanh vận tải đường bộ là hoạt động do tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là đơn vị kinh doanh vận tải) sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để cung cấp dịch vụ vận tải người, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
5. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là việc tổ chức, cá nhân thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi, trừ các hoạt động vận tải nội bộ được quy định tại khoản 12 Điều này.
6. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gồm: kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới theo quy định của Chính phủ.
7. Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) để vận tải hành khách, có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình xác định.
8. Kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) để vận tải hành khách, có xác định điểm đầu, điểm cuối, các điểm dừng xe để đón, trả khách với lịch trình, hành trình xác định; bao gồm tuyến xe buýt nội tỉnh, tuyến xe buýt liên tỉnh, cụ thể như sau:
a) Tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
b) Tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
9. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người dưới 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) để thực hiện vận tải theo yêu cầu của hành khách; tiền cước chuyến đi do hành khách lựa chọn theo một trong các phương thức sau đây:
a) Tiền cước được tính thông qua đồng hồ tính tiền;
b) Tiền cước được tính qua phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử;
c) Tiền cước theo thoả thuận với đơn vị kinh doanh vận tải.
10. Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người để vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải, bao gồm cả thuê người lái xe.
Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe.
11. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở hàng, xe ô tô chuyên dùng để vận tải hàng hóa trên đường bộ.
12. Hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là hoạt động vận tải không kinh doanh, không thu tiền cước, chi phí vận tải được tính vào chi phí quản lý, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ của người vận tải; bao gồm hoạt động vận tải người nội bộ và hoạt động vận tải hàng hóa nội bộ và được quy định như sau:
a) Hoạt động vận tải người nội bộ bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là việc cơ quan, tổ chức sử dụng xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ để vận tải cán bộ, công nhân viên, người lao động hoặc trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên của cơ quan, tổ chức đó;
b) Hoạt động vận tải hàng hóa nội bộ bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô chở hàng, xe ô tô chuyên dùng, xe bốn bánh có gắn động cơ để vận tải sản phẩm, hàng hóa do cơ quan, tổ chức, cá nhân đó sản xuất hoặc trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu, nhiên liệu để phục vụ quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
13. Đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn. Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ phải bảo đảm công tác quản lý an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ.
14. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
(i) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.
(ii) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nguồn lực địa phương quyết định hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện xe buýt, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; hỗ trợ kinh phí hoạt động vận tải hành khách công cộng băng xe buýt; hỗ trợ cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thông qua chính sách miễn, giảm giá vé.