Doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng chiếm một số lượng lớn trong nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng, nhất là trong vấn đề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo...
>> Để có một website, doanh nghiệp cần phải làm gì?
>> Khái quát về doanh nghiệp công nghệ cao
Với đặc điểm chung là nguồn vốn của chủ sở hữu ít, nên phần đông doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn trong tình trạng “khát” vốn, cần sự hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng.
Trước thực tế đó, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (QBLTD) chính là cầu nối, là “bà đỡ” giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng.
Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa là gì?
QBLTD là một tổ chức tài chính do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, vay vốn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng.
Ra đời từ năm 2001 theo Quyết định 193/2001/QÐ-TTg, tuy nhiên, đến nay cả nước mới chỉ có 27 QBLTD đã và đang hoạt động. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ, thậm chí không biết đến sự tồn tại của QBLTD.
Điều kiện để doanh nghiệp được cấp bảo lãnh tín dụng
Đối tượng được nhận hỗ trợ từ QBLTD là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, đó là những doanh nghiệp thỏa mãn các tiêu chí dưới đây:
1. Có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người;
2. Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng;
3. Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả được QBLTD thẩm định và quyết định bảo lãnh; có khả năng hoàn trả vốn vay;
4. Có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay;
5. Có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh;
6. Không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác tại thời điểm đề nghị bảo lãnh;
7. Sử dụng tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của mình mà pháp luật không cấm giao dịch để thực hiện các biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn tại QBLTD.
Thủ tục đề nghị cấp bảo lãnh tín dụng
Thành phần hồ sơ:
1. Đơn xin cấp bảo lãnh tín dụng;
2. Các văn bản, tài liệu chứng minh được doanh nghiệp có đủ các điều kiện được bảo lãnh tín dụng;
3. Các tài liệu có liên quan khác theo yêu cầu của QBLTD;
Đồng thời, doanh nghiệp gửi kèm phí thẩm định hồ sơ bảo lãnh tín dụng.
Thời hạn giải quyết: chậm nhất sau 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ xin bảo lãnh tín dụng hợp lệ.
Kết quả:
- Hợp đồng bảo lãnh tín dụng giữa QBLTD và doanh nghiệp (có thể có sự tham gia của tổ chức tín dụng nơi doanh nghiệp vay vốn) nếu Quỹ bảo lãnh tín dụng quyết định cấp tín dụng.
- Hoặc văn bản thông báo từ chối cấp bảo lãnh, có nêu rõ lý do.
Thực hiện bảo lãnh cấp tín dụng
QBLTD có thể quyết định bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ phần chênh lệch giữa giá trị khoản vay và giá trị tài sản mà doanh nghiệp thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng; bao gồm cả nợ gốc và trả lãi vay; trong thời hạn phù hợp với thời hạn vay vốn và thể hiện bằng văn bản Chứng thư bảo lãnh.
Trong thời hạn bảo lãnh, doanh nghiệp có nghĩa vụ chi trả phí bảo lãnh tín dụng theo như được ghi nhận trong Hợp đồng tín dụng.
QBLTD xem xét quyết định việc thực hiện trả nợ cho cho doanh nghiệp theo phần nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết khi:
- Khi đến hạn bên được bảo lãnh không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ cho tổ chức tín dụng;
- Sau đó tổ chức tín dụng đã tiến hành mọi biện pháp để thu hồi nợ mà doanh nghiệp vẫn không trả được nợ;
- Nhận được văn bản thông báo từ tổ chức tín dụng.
Sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, QBLTD được yêu cầu doanh nghiệp nhận nợ số tiền đã trả thay với lãi suất tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn thông thường các ngân hàng thương mại trên địa bàn đang áp dụng đối với khoản vay có thời hạn tương ứng.
Nếu đến hạn mà doanh nghiệp không thanh toán được khoản nợ trên, tài sản bảo đảm tại QBLTD có thể bị thanh lý.
Song, nếu doanh nghiệp sử dụng vốn vay, tài sản hình thành vốn vay không đúng mục đích đã ghi trong Hợp đồng tín dụng thì QBLTD có quyền từ chối thực hiện bảo lãnh cho doanh nghiệp.
Cơ sở pháp lý:
- Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.
Quỳnh Như