Tôi muốn biết trong năm 2024, có những phương thức lựa chọn nhà đầu tư nào trong hoạt động đấu thầu? Và được thực hiện theo những hình thức nào? – Chí Nhân (TP. Hồ Chí Minh).
>> Quy định về kê khai giá đối với tổ chức kinh doanh từ ngày 01/7/2024
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 21/05/2024
Căn cứ Điều 35 Luật Đấu thầu 2023, đối với hoạt động đấu thầu trong năm 2024, có những phương thức lựa chọn nhà đầu tư sau đây:
(i) Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ:
- Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế lựa chọn nhà đầu tư;
- Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
- Việc mở thầu được tiến hành một lần đối với toàn bộ hồ sơ dự thầu.
(ii) Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ:
- Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu công trình kiến trúc có giá trị theo quy định của pháp luật về kiến trúc;
- Nhà đầu tư nộp đồng thời hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
- Việc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sẽ được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá.
(iii) Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ:
Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu đặc thù phát triển kinh tế, xã hội của ngành, vùng, địa phương nhưng chưa xác định được cụ thể tiêu chuẩn về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, môi trường.
File word Luật Đấu thầu và văn bản hướng dẫn mới nhất năm 2024 (cập nhật ngày 23/04/2024) |
Phương thức lựa chọn nhà đầu tư trong hoạt động đấu thầu 2024 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Theo đó, việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện thông qua những hình thức sau đây:
(i) Đấu thầu rộng rãi: Đấu thầu rộng rãi được áp dụng đối với dự án đầu tư kinh doanh mà không hạn chế số lượng nhà đầu tư tham dự.
(ii) Đấu thầu hạn chế: Đấu thầu hạn chế được áp dụng đối với dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ hoặc có tính đặc thù theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực mà chỉ có một số nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu của dự án được mời tham dự thầu.
(Căn cứ Điều 34 Luật Đấu thầu 2023)
Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định tại Điều 46 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
(i) Bước 1: Công bố dự án đầu tư kinh doanh.
(ii) Bước 2: Chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gồm: lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu.
(iii) Bước 3: Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gồm: mời thầu; phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu; chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút, thay thế hồ sơ dự thầu.
(iv) Bước 4: Đánh giá hồ sơ dự thầu gồm:
- Mở thầu.
- Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu.
- Đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu.
(v) Bước 5: Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư; giải thích lý do nhà đầu tư không trúng thầu theo yêu cầu của nhà đầu tư (nếu có).
(vi) Bước 6: Đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng.
Lưu ý: Đối với trường hợp pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý ngành, lĩnh vực quy định phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm, ngoài các bước nêu trên, cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ mời quan tâm, thông báo mời quan tâm, tổ chức đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện dự án và phê duyệt kết quả mời quan tâm trước khi thực hiện bước chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư quy định tại Bước 2 nêu trên.