Phạt đến 20 triệu đối với việc định giá và bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 87/2024/NĐ-CP.
>> Phạt đến 30 triệu nếu không niêm yết hoặc niêm yết không đúng, không đủ giá hàng hóa, dịch vụ
>> Từ ngày 12/07/2024 vi phạm về hiệp thương giá có thể bị phạt đến 40 triệu đồng
Căn cứ Điều 10 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
(i) Hành vi bán không đúng mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể.
(ii) Hành vi bán cao hơn mức tối đa của khung giá do Nhà nước ban hành.
(iii) Hành vi bán thấp hơn mức tối thiểu của khung giá do Nhà nước ban hành.
(iv) Hành vi bán cao hơn giá tối đa do Nhà nước ban hành.
(v) Hành vi bán thấp hơn giá tối thiểu do Nhà nước ban hành.
Lưu ý: Căn cứ khoản 4 Điều 3 Nghị định 87/2024/NĐ-CP mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền quy định tại Nghị định 87/2024/NĐ-CP là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền của tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền của cá nhân.
Ngoài mức xử phạt vi phạm hành chính, còn áp dụng biện pháp khắc hục hậu quả đối với hành vi vi phạm tại khoản (i), khoản (ii) và khoản (iv) nêu trên là buộc trả lại cho khách hàng toàn bộ tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định do hành vi vi phạm gây ra.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 8 Điều 3 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong Quyết định theo quy định của pháp luật và phải chịu mọi chi phí cho việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đó.
Sau thời hạn thực hiện công khai nội dung khắc phục hậu quả lên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải báo cáo kết quả thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đến người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt trong 07 ngày làm việc.
File Word Luật Giá và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 |
Toàn bộ biểu mẫu ban hành về Luật Giá theo Nghị định 85/2024/NĐ-CP |
Phạt đến 20 triệu khi định giá, bán hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định của cơ quan Nhà nước
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 21 Luật Giá 2023, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định như sau:
(i) Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:
- Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Tài nguyên quan trọng theo quy định của pháp luật về tài nguyên.
- Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
- Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua, bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
(ii) Hình thức định giá:
- Giá cụ thể là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán theo đúng mức giá đó.
- Giá tối thiểu là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức giá đó.
- Giá tối đa là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán cao hơn mức giá đó.
- Khung giá là khoảng giới hạn mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức tối thiểu và cao hơn mức tối đa của khung giá đó.
(iii) Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật Giá 2023. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
(iv) Đối với trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.