Sau khi tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án đầu tư công thì cần đánh giá những nội dung gì trong dự án theo đúng quy định trong năm 2024? – Hữu Phước (Lâm Đồng).
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 21/03/2024
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 20/03/2024
Căn cứ khoản 1 Điều 55 Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định việc đánh giá dự án đầu tư công như sau:
(1) Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A phải thực hiện đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động;
(2) Dự án nhóm B, nhóm C phải thực hiện đánh giá kết thúc và đánh giá tác động;
(3) Ngoài các quy định tại (1) và (2), người có thẩm quyền quyết định đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công quyết định thực hiện đánh giá khác quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 29/2021/NĐ-CP khi cần thiết.
Nội dung đánh giá dự án đầu tư công năm 2024 (Ảnh minh họa - Nguồn từ internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 55 Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định như sau:
- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ và đánh giá kết thúc;
- Người có thẩm quyền quyết định đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá đột xuất, đánh giá tác động.
Người có thẩm quyền quyết định đầu tư có thể giao cho chủ sử dụng hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc tổ chức thực hiện đánh giá tác động dự án do mình quyết định đầu tư;
- Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công tổ chức thực hiện các loại đánh giá theo kế hoạch và đánh giá đột xuất dự án thuộc phạm vi quản lý.
Căn cứ Điều 73 Luật Đầu tư công 2019 thì quy định về nội dung đánh giá dự án đầu tư công như sau:
Nội dung đánh giá ban đầu bao gồm:
- Công tác chuẩn bị, tổ chức, huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình, dự án bảo đảm đúng mục tiêu, tiến độ đã được phê duyệt;
- Những vướng mắc, phát sinh mới xuất hiện so với thời điểm phê duyệt chương trình, dự án;
- Đề xuất các biện pháp giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh phù hợp với điều kiện thực tế.
Nội dung đánh giá giữa kỳ hoặc đánh giá giai đoạn bao gồm:
- Sự phù hợp của kết quả thực hiện chương trình, dự án so với mục tiêu đầu tư;
- Mức độ hoàn thành khối lượng công việc đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch được phê duyệt;
- Đề xuất các giải pháp cần thiết, kể cả việc điều chỉnh chương trình, dự án.
Nội dung đánh giá kết thúc bao gồm:
- Quá trình thực hiện chương trình, dự án: hoạt động quản lý thực hiện chương trình, dự án; kết quả thực hiện các mục tiêu của chương trình, dự án; các nguồn lực đã huy động; các lợi ích do chương trình, dự án mang lại cho những đối tượng thụ hưởng; các tác động, tính bền vững của chương trình, dự án;
- Bài học rút ra sau quá trình thực hiện chương trình, dự án và đề xuất các khuyến nghị cần thiết; trách nhiệm của tổ chức tư vấn, cơ quan chủ quản, chủ chương trình, chủ đầu tư, người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nội dung đánh giá tác động của chương trình, dự án bao gồm:
- Thực trạng kinh tế - kỹ thuật vận hành;
- Tác động kinh tế - xã hội;
- Tác động môi trường, sinh thái;
- Tính bền vững của dự án;
- Bài học rút ra từ chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thực hiện, vận hành chương trình, dự án; trách nhiệm của tổ chức tư vấn, cơ quan chủ quản, chủ chương trình, chủ đầu tư, người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nội dung đánh giá đột xuất bao gồm:
- Sự phù hợp của kết quả thực hiện chương trình, dự án đến thời điểm đánh giá so với mục tiêu đầu tư;
- Mức độ hoàn thành khối lượng công việc đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch được phê duyệt;
- Xác định những phát sinh ngoài dự kiến (nếu có), nguyên nhân phát sinh ngoài dự kiến và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của những phát sinh ngoài dự án đến việc thực hiện chương trình, dự án, khả năng hoàn thành các mục tiêu của chương trình, dự án;
- Đề xuất các giải pháp cần thiết.