Người làm công gây thiệt trong lúc thực hiện công việc được giao thì công ty giao việc có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không? – Huy Phan (Quảng Ninh).
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 14/06/2023
Tôi là người làm công, ăn lương cho một công ty vận tải. Hai ngày trước, trong lúc chở hàng theo yêu cầu của công ty, do đi đường dài nên tôi buồn ngủ, không tập trung lái xe dẫn đến tông vào một sạp hàng bán hoa quả. Vì hoa quả bị dập nát gần như toàn bộ nên chủ sạp hàng yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, số tiền bồi thường quá lớn nên tôi không có khả năng chi trả ngay và hơn nữa, do thực hiện công việc mà công ty giao nên tôi mới gây ra va chạm này. Vì vậy, tôi có thể yêu cầu công ty bồi thường cho chủ sạp hàng không?
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp của anh/chị là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo đó, Điều 600 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người làm công gây ra như sau:
“Điều 600. Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra
Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”
Có thể thấy, anh là người lái xe gây ra thiệt hại trong khi thực hiện công việc mà công ty vận tải giao. Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ sạp hàng đối với số hoa quả bị hư hỏng trong trường hợp này thuộc về công ty vận tải.
Tuy nhiên, nếu thiệt hại nêu trên là do lỗi của anh (do không tập trung trong lúc lái xe) thì công ty vận tải có quyền yêu cầu anh phải hoàn trả một khoản tiền tương ứng cho công ty.
Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành (đang có hiệu lực) |
Nhân viên gây thiệt hại cho người khác, công ty có chịu trách nhiệm? (Ảnh minh họa)
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
(i) Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
(ii) Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
(iii) Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo Mục (ii) nêu trên.
Như vậy, đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của chủ sạp hàng, anh cần lưu ý thiệt hại phát sinh có hoàn toàn do lỗi của anh không.
Ví dụ như thiệt hại phát sinh còn do chủ sạp hàng bày bán hoa quả không đúng nơi quy định, lấn chiếm lòng, lề đường thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của anh sẽ loại trừ phần trách nhiệm do lỗi của chủ sạp hàng.
Căn cứ quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
- Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Do đó, anh cần xem xét mức bồi thường thiệt hại mà chủ sạp hàng đưa ra có phải là mức thiệt hại thực tế không và có nằm trong phạm vi thiệt hại tài sản được bồi thường nêu trên.