Có quan điểm cho rằng khi người lao động được trả lương từ 11 triệu trở lên trong tháng thì phải nộp thuế TNCN. Vậy quan điểm này có đúng không? Chúng tôi xin mời Quý thành viên xem bài viết dưới đây:
>> Những điều cần biết về sổ kế toán trong doanh nghiệp nhỏ và vừa
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm thu nhập từ tiền lương, tiền công. Và căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này thì tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền của người lao động nhận được từ người sử dụng lao động được coi là thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Số thuế thu nhập cá nhân của người lao động từ tiền lương, tiền công được quy định tại Điều 7 của Thông tư 111/2013/TT-BTC, cụ thể như sau:
Số thuế phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất |
Trong đó:
“Thu nhập tính thuế” được xác định bằng công thức dưới đây:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ
“Các khoản giảm trừ” được quy định tại Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14, bao gồm 03 khoản:
- Giảm trừ gia cảnh: Giảm trừ đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
- Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện.
- Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
Quý thành viên vui lòng xem chi tiết về 03 khoản giảm trừ này tại công việc: Các khoản giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công.
“Thu nhập chịu thuế” là thu nhập của người lao động sau khi đã trừ đi các khoản thu nhập được miễn thuế:
Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập - Các khoản thu nhập được miễn thuế
Về các khoản thu nhập không được tính vào thu nhập chịu thuế, Quý thành viên có thể xem tại công việc: Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công
Ví dụ 1:
Tháng 5/2021, chị A ký hợp đồng không xác định thời hạn với công ty X với lương thỏa thuận là 12,5 triệu đồng/tháng. Chị A đóng bảo hiểm (BHXH 8%, BHYT 1,5%, BHTN 1%) trên mức lương 12,5 triệu. Chị A không có người phụ thuộc.
Thuế TNCN của chị A trong tháng 5/2021 xác định như sau:
- Thu nhập chịu thuế: 12,5 triệu (không có các khoản thu nhập được miễn thuế)
- Các khoản giảm trừ:
+ Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm : 10,5 triệu * (8% + 1,5% + 1%) = 1,102 triệu
+ Chị A được giảm trừ gia cảnh cho bản thân: 11 triệu
+ Chị A không có người phụ thuộc
Tổng các khoản giảm trừ : 11 triệu + 1,102 triệu = 12,102 triệu
Thu nhập tính thuế của Chị A : 12,5 triệu – 12,102 triệu = 398 ngàn
Số thuế TNCN Chị A phải nộp : 398 ngàn* 5% = 19,9 ngàn
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điểm b.1 và Điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, việc tính thuế TNCN được thực hiện như sau:
- Trường hợp người lao động ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ 03 tháng trở lên: Khấu trừ thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần (tức là từng phần thu nhập sẽ có các mức thuế khác nhau, thu nhập càng cao mức thuế suất tính thuế càng cao).
- Trường hợp không ký HĐLĐ hoặc ký HĐLĐ dưới 03 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên: Khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả thu nhập.
Quý thành viên có thể tham khảo công việc dưới đây:
- Phương pháp tính thuế lũy tiến từng phần;
- Trường hợp khấu trừ 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Ví dụ 2:
Tiếp tục Ví dụ 1 ở trên, trước khi ký HĐLĐ vào tháng 5, chị A đã ký hợp đồng thử việc với công ty X hai tháng là tháng 3 và tháng 4.
Vậy thì trong tháng 3, tháng 4: Chị A phải đóng 10% trên 9 triệu của mức lương thử việc. Tức là phải đóng thuế TNCN là 900 ngàn.
Giả sử đến tháng 6/2019, chị A đăng ký một người phụ thuộc, lúc này số thuế TNCN của chị A trong tháng 6 được xác định như sau:
- Thu nhập chịu thuế: 12,5 triệu (không có các khoản thu nhập được miễn thuế)
- Các khoản giảm trừ:
+ Giảm từ đối với các khoản đóng bảo hiểm : 12,5 triệu * (8% + 1,5% + 1%) = 1,312triệu
+ Chị A được giảm trừ gia cảnh cho bản thân: 11 triệu
+ Giảm trừ cho 01 người phụ thuộc: 4,4 triệu.
Tổng các khoản giảm trừ : 11 triệu + 4,4 triệu + 1,312 triệu = 16,712 triệu
Do đó, Thu nhập tính thuế của Chị A = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ = 0. Tháng 6 chị A không phải nộp thuế TNCN.
Tóm lại, khi một người lao động có lương từ 11 triệu đồng trở lên trong tháng thì không thể khẳng định rằng họ phải nộp thuế TNCN. Thực chất, khoản tiền 11 triệu này chính là mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân mỗi người nộp thuế.
Việc nộp thuế TNCN không dựa vào mức lương trên hay dưới 11 triệu đồng một tháng mà dựa vào việc họ có phát sinh số thuế phải nộp hay không. Số thuế này phụ thuộc vào việc người lao động có rơi vào trường hợp khấu trừ thuế theo mức 10% trước khi trả thu nhập hay có các khoản giảm trừ gia cảnh, khoản thu nhập được miễn thuế khi tính thuế TNCN.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Kim Hằng