Mức xử phạt vi phạm phòng cháy chữa cháy (PCCC) với doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ mới nhất năm 2024 là như thế nào? – Khánh Quỳnh (Đồng Nai).
>> Mở rộng dữ liệu mở của Bộ Tài chính cho người dân, doanh nghiệp năm 2024
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 24/04/2024
Căn cứ Điều 33 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ có hành vi vi phạm về PCCC sẽ bị xử phạt như sau:
(i) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Không có hoặc không duy trì biện pháp thông gió theo quy định của pháp luật.
- Không lắp đặt thiết bị, hệ thống chống tĩnh điện hoặc thiết bị, hệ thống chống tĩnh điện không bảo đảm yêu cầu theo quy định của pháp luật.
(ii) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Không lắp đặt các thiết bị phát hiện, xử lý rò rỉ của các chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ ra môi trường xung quanh.
- Không có phương án xử lý sự cố bục, vỡ bể chứa, thiết bị, đường ống chứa, đựng, dẫn chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
(iii) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép.
- San, chiết, nạp chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ không đúng nơi quy định hoặc san, chiết, nạp chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ sang các thiết bị chứa không đúng chủng loại, không phù hợp với chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
(iv) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thuộc danh mục cấm kinh doanh.
File Word Luật Phòng cháy và chữa cháy cũng các văn bản hướng dẫn 2024 |
Mức phạt vi phạm PCCC với doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ năm 2024 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
(v) Hình thức xử phạt bổ sung:
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản (iii) và khoản (iv) Mục này.
- Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại gạch đầu dòng thứ hai khoản (iii) và khoản (iv) Mục này.
(vi) Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc thực hiện biện pháp thông gió theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại gạch đầu dòng đầu tiên khoản (i) Mục này.
- Buộc lắp đặt, duy trì hoạt động của thiết bị, hệ thống chống tĩnh điện theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại gạch đầu dòng thứ hai khoản (i) Mục này.
- Buộc lắp đặt và trang bị các thiết bị phát hiện, xử lý rò rỉ chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ đối với hành vi vi phạm quy định tại gạch đầu dòng đầu tiên khoản (ii) Mục này.
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 42/2020/NĐ-CP thì hàng nguy hiểm (hàng hóa nguy hiểm) là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chở trên đường bộ hoặc đường thủy nội địa có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở đối với vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu khắc phục bằng văn bản mà không thực hiện trong việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép hoặc không đúng nơi quy định; làm mất tác dụng của lối thoát nạn, ngăn cháy lan mà khi xảy ra cháy, nổ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.