Tôi muốn biết hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự là gì? Mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự là như thế nào? – Ngọc Ánh (Đồng Tháp).
>> Quy chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và BVMT với xe máy chuyên dùng có hiệu lực từ 01/7/2024
>> Các nội dung của hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh theo Luật Đấu thầu mới nhất
Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo đó, có thể hiểu hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ trong hoạt động thương mại.
File Word các Luật nổi bật và văn bản hướng dẫn thi hành (còn hiệu lực) |
Mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại, dân sự năm 2024 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 300 và Điều 301 Luật Thương mại 2005, mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại, cụ thể như sau:
(i) Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Mục 2.
(ii) Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 Luật Thương mại 2005.
Theo Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015, mức phạt vi phạm hợp đồng dân sự được quy định như sau:
(i) Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
(ii) Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
(iii) Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì mức phạt vi phạm hợp đồng dân sự sẽ do các bên thỏa thuận.
Căn cứ theo Điều 294 Luật Thương mại 2005, các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm bao gồm những nội dung sau:
(i) Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận.
- Xảy ra sự kiện bất khả kháng.
- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia.
- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
(ii) Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.
Theo Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015, việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng gồm những nội dung sau đây:
(i) Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản (ii) Mục này và Điều 13 và Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015.
(ii) Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
(iii) Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.