Luật sửa đổi 9 Luật được thông qua ngày 29/11/2024, có hiệu lực từ 01/01/2025, trong đó quy định tài liệu kế toán chỉ phải dịch ra tiếng Việt khi cơ quan nhà nước yêu cầu.
>> Không được khai bổ sung hồ sơ khai thuế khi có quyết định thanh, kiểm tra thuế từ 01/01/2025
>> 02 đối tượng không chịu thuế chuyển sang thuế suất 5% từ tháng 07/2025
Căn cứ khoản 1 Điều 11 Luật Kế toán 2015 (sẽ hết hiệu lực vào tháng 01/2025), quy định về chữ viết trong kế toán như sau:
Chữ viết và chữ số sử dụng trong kế toán
1. Chữ viết sử dụng trong kế toán là tiếng Việt. Trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính tại Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
Tuy nhiên, theo quy định mới (khoản 3 Điều 2 Luật số 56/2024/QH15) có hiệu lực từ tháng 01/2025, quy định chữ viết trong kế toán như sau:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 11 như sau:
“1. Chữ viết sử dụng trong kế toán là tiếng Việt. Trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên báo cáo tài chính tại Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Tài liệu kế toán bằng tiếng nước ngoài phải dịch ra tiếng Việt khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.”.
…
Như vậy, theo quy định mới, ngoại trừ báo cáo tài chính, các tài liệu kế toán khác chỉ phải dịch ra Tiếng Việt khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu từ năm 2025.
Luật Quản lý thuế và văn bản hướng dẫn đang còn hiệu lực năm 2024 |
Không bắt buộc mọi tài liệu kế toán phải dịch ra tiếng Việt từ năm 2025
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 29 Luật Kế toán 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 2 Luật số 56/2024/QH15), báo cáo tài chính của đơn vị kế toán dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính và kết quả hoạt động của đơn vị kế toán.
Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán phải được lập và trình bày theo đúng quy định của chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán mà đơn vị áp dụng, gồm:
(i) Báo cáo tình hình tài chính.
(ii) Báo cáo kết quả hoạt động.
(iii) Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
(iv) Thuyết minh báo cáo tài chính.
(v) Báo cáo khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 29 Luật Kế toán 2015, việc lập và nộp báo cáo tài chính của đơn vị kế toán được thực hiện như sau:
(i) Đơn vị kế toán phải lập báo cáo tài chính vào cuối kỳ kế toán năm; trường hợp pháp luật có quy định lập báo cáo tài chính theo kỳ kế toán khác thì đơn vị kế toán phải lập theo kỳ kế toán đó.
(ii) Việc lập báo cáo tài chính phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán. Đơn vị kế toán cấp trên phải lập báo cáo tài chính tổng hợp hoặc báo cáo tài chính hợp nhất dựa trên báo cáo tài chính của các đơn vị kế toán trong cùng đơn vị kế toán cấp trên.
(iii) Báo cáo tài chính phải được lập đúng nội dung, phương pháp và trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán; trường hợp báo cáo tài chính trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do.
(iv) Báo cáo tài chính phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán. Người ký báo cáo tài chính phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo.
(v) Báo cáo tài chính năm của đơn vị kế toán phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 33 Luật Kế toán 2015, kiểm toán báo cáo tài chính được quy định như sau:
(i) Báo cáo tài chính năm của đơn vị kế toán mà pháp luật quy định phải kiểm toán thì phải được kiểm toán trước khi nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trước khi công khai.
(ii) Đơn vị kế toán khi được kiểm toán phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về kiểm toán.
(iii) Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán đã được kiểm toán khi nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có báo cáo kiểm toán kèm theo.
Xem thêm>> Cần những yếu tố nào để trở thành một kiểm toán viên chuyên nghiệp?