PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục Hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán số 21 - Trình bày báo cáo tài chính qua bài viết sau đây:
>> Hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán số 21 - Trình bày báo cáo tài chính (Phần 9)
>> Hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán số 21 - Trình bày báo cáo tài chính (Phần 8)
Tại phần 08 và 09 đã trình bày nội dung báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và cấu trúc bản thuyết minh báo cáo tài chính theo Chuẩn mực số 21 - Trình bày báo cáo tài chính (Ban hành và công bố theo Quyết định 234/2003/QĐ-BTC), sau đây là nội dung trình bày chính sách kế toán trong bản thuyết minh báo cáo tài chính và báo cáo lưu chuyển tiền tệ:
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập và trình bày theo quy định của Chuẩn mực kế toán số 24 "Báo cáo lưu chuyển tiền tệ".
(i) Bản thuyết minh báo cáo tài chính của một doanh nghiệp cần phải:
- Đưa ra các thông tin về cơ sở dùng để lập báo cáo tài chính và các chính sách kế toán cụ thể được chọn và áp dụng đối với các giao dịch và các sự kiện quan trọng.
- Trình bày các thông tin theo quy định của các chuẩn mực kế toán mà chưa được trình bày trong các báo cáo tài chính khác.
- Cung cấp thông tin bổ sung chưa được trình bày trong các báo cáo tài chính khác, nhưng lại cần thiết cho việc trình bày trung thực và hợp lý.
(ii) Bản thuyết minh báo cáo tài chính phải được trình bày một cách có hệ thống. Mỗi khoản mục trong Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cần được đánh dấu dẫn tới các thông tin liên quan trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính.
(iii) Bản thuyết minh báo cáo tài chính bao gồm các phần mô tả mang tính tường thuật hoặc những phân tích chi tiết hơn các số liệu đã được thể hiện trong Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng như các thông tin bổ sung cần thiết khác. Chúng bao gồm những thông tin được các chuẩn mực kế toán khác yêu cầu trình bày và những thông tin khác cần thiết cho việc trình bày trung thực và hợp lý.
(iv) Bản thuyết minh báo cáo tài chính thường được trình bày theo thứ tự sau đây và cần duy trì nhất quán nhằm giúp cho người sử dụng hiểu được báo cáo tài chính của doanh nghiệp và có thể so sánh với báo cáo tài chính của các doanh nghiệp khác:
- Tuyên bố về việc tuân thủ các chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam.
- Giải trình về cơ sở đánh giá và chính sách kế toán được áp dụng.
- Thông tin bổ sung cho các khoản mục được trình bày trong mỗi báo cáo tài chính theo thứ tự trình bày mỗi khoản mục hàng dọc và mỗi báo cáo tài chính.
- Trình bày những biến động trong nguồn vốn chủ sở hữu.
- Những thông tin khác, gồm:
+ Những khoản nợ tiềm tàng, những khoản cam kết và những thông tin tài chính khác; và
+ Những thông tin phi tài chính.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán số 21 - Trình bày báo cáo tài chính (Phần 10)
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
(i) Phần về các chính sách kế toán trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính phải trình bày những điểm sau đây:
- Các cơ sở đánh giá được sử dụng trong quá trình lập báo cáo tài chính.
- Mỗi chính sách kế toán cụ thể cần thiết cho việc hiểu đúng các báo cáo tài chính.
(ii) Ngoài các chính sách kế toán cụ thể được sử dụng trong báo cáo tài chính, điều quan trọng là người sử dụng phải nhận thức được cơ sở đánh giá được sử dụng (như nguyên giá, giá hiện hành, giá trị thuần có thể thực hiện được, giá trị hợp lý hoặc giá trị hiện tại) bởi vì các cơ sở này là nền tảng để lập báo cáo tài chính. Khi doanh nghiệp sử dụng nhiều cơ sở đánh giá khác nhau để lập báo cáo tài chính, như trường hợp một số tài sản được đánh giá lại theo quy định của nhà nước, thì phải nêu rõ các tài sản và nợ phải trả áp dụng mỗi cơ sở đánh giá đó.
(iii) Khi quyết định việc trình bày chính sách kế toán cụ thể trong báo cáo tài chính Giám đốc (hoặc người đứng đầu) doanh nghiệp phải xem xét xem việc diễn giải này có giúp cho người sử dụng hiểu được cách thức phản ánh các nghiệp vụ giao dịch và các sự kiện trong kết quả hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp. Các chính sách kế toán doanh nghiệp thường đưa ra gồm:
- Ghi nhận doanh thu.
- Nguyên tắc hợp nhất, kể cả hợp nhất công ty con và công ty liên kết.
- Hợp nhất kinh doanh.
- Các liên doanh.
- Ghi nhận và khấu hao tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình; phân bổ chi phí trả trước và lợi thế thương mại.
- Vốn hóa các khoản chi phí đi vay và các khoản chi phí khác.
- Các hợp đồng xây dựng.
- Bất động sản đầu tư.
- Công cụ tài chính và các khoản đầu tư tài chính.
- Hợp đồng thuê tài chính.
- Chi phí nghiên cứu và triển khai.
- Hàng tồn kho.
- Thuế, bao gồm cả thuế hoãn lại.
- Các khoản dự phòng.
- Chuyển đổi ngoại tệ và các nghiệp vụ dự phòng rủi ro hối đoái.
- Xác định lĩnh vực kinh doanh và khu vực hoạt động và cơ sở phân bổ các khoản chi phí giữa các lĩnh vực và khu vực hoạt động.
- Xác định các khoản tiền và tương đương tiền.
- Các khoản trợ cấp của Chính phủ.
Các chuẩn mực kế toán khác sẽ quy định một cách cụ thể việc trình bày chính sách kế toán trong các lĩnh vực kể trên.
(iv) Mỗi doanh nghiệp cần xem xét bản chất của các hoạt động và các chính sách của mình mà người sử dụng muốn được trình bày đối với loại hình doanh nghiệp đó. Khi một doanh nghiệp thực hiện những nghiệp vụ quan trọng ở nước ngoài hoặc có những giao dịch quan trọng bằng ngoại tệ, thì những người sử dụng sẽ mong đợi có phần diễn giải về các chính sách kế toán đối với việc ghi nhận các khoản lãi và lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái và việc dự phòng rủi ro hối đoái. Trong báo cáo tài chính hợp nhất phải trình bày chính sách kế toán được sử dụng để xác định lợi thế thương mại và lợi ích của cổ đông thiểu số.
(v) Một chính sách kế toán có thể được coi là quan trọng thậm chí khi các số liệu được trình bày trong các niên độ hiện tại và trước đây không mang tính trọng yếu. Việc diễn giải các chính sách không được quy định trong các chuẩn mực kế toán hiện hành, nhưng được lựa chọn và áp dụng phù hợp với nội dung nêu tại Mục 2.5 phần 02 của bài viết là rất cần thiết.
Quý khách hàng xem tiếp tục >> Hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán số 21 - Trình bày báo cáo tài chính (Phần 11).