Nguyên tắc kế toán đối với tài khoản 157 (hàng gửi đi bán) trong doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định như thế nào? – Hà My (Cao Bằng).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Thông tư 133/2016/TT-BTC, nguyên tắc kế toán đối với tài khoản 157 áp dụng trong doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
- Hàng gửi đi bán phản ánh trên tài khoản 157 được thực hiện theo nguyên tắc giá gốc. Chỉ phản ánh vào tài khoản 157 “Hàng gửi đi bán” trị giá của hàng hóa, thành phẩm đã gửi đi cho khách hàng, gửi bán đại lý, ký gửi, dịch vụ đã hoàn thành bàn giao cho khách hàng theo hợp đồng kinh tế hoặc đơn đặt hàng, nhưng chưa được xác định là đã bán (chưa được tính là doanh thu bán hàng trong kỳ đối với số hàng hóa, thành phẩm đã gửi đi, dịch vụ đã cung cấp cho khách hàng).
- Hàng hóa, thành phẩm phản ánh trên tài khoản này vẫn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, kế toán phải mở sổ chi tiết theo dõi từng loại hàng hóa, thành phẩm, từng lần gửi hàng từ khi gửi đi cho đến khi được xác định là đã bán.
- Không phản ánh vào tài khoản này chi phí vận chuyển, bốc xếp,... chi hộ khách hàng. Tài khoản 157 có thể mở chi tiết để theo dõi từng loại hàng hóa, thành phẩm gửi đi bán, dịch vụ đã cung cấp cho từng khách hàng, cho từng cơ sở nhận đại lý.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Hướng dẫn tài khoản 157 (hàng gửi đi bán) trong doanh nghiệp nhỏ và vừa 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 29 Thông tư 133/2016/TT-BTC, kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 157 áp dụng trong doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm có:
Bên Nợ:
- Trị giá hàng hóa, thành phẩm đã gửi cho khách hàng, gửi bán đại lý, ký gửi.
- Trị giá dịch vụ đã cung cấp cho khách hàng nhưng chưa được xác định là đã bán.
- Cuối kỳ kết chuyển trị giá hàng hóa, thành phẩm đã gửi đi bán chưa được xác định là đã bán cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Bên Có:
- Trị giá hàng hóa, thành phẩm gửi đi bán, dịch vụ đã cung cấp được xác định là đã bán.
- Trị giá hàng hóa, thành phẩm, dịch vụ đã gửi đi bị khách hàng trả lại.
- Đầu kỳ kết chuyển trị giá hàng hóa, thành phẩm đã gửi đi bán, dịch vụ đã cung cấp chưa được xác định là đã bán đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Số dư bên Nợ: Trị giá hàng hóa, thành phẩm đã gửi đi, dịch vụ đã cung cấp chưa được xác định là đã bán trong kỳ.
Tại Điều 6 Thông tư 133/2016/TT-BTC, lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán được quy định như sau:
- Doanh nghiệp có nghiệp vụ thu, chi chủ yếu bằng ngoại tệ căn cứ vào quy định của Luật Kế toán 2015, để xem xét, quyết định lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán và chịu trách nhiệm về quyết định đó trước pháp luật. Khi lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
- Đơn vị tiền tệ trong kế toán là đơn vị tiền tệ:
+ Được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ của đơn vị, có ảnh hưởng lớn đến giá bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ, thông thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để niêm yết giá bán và được thanh toán; và
+ Được sử dụng chủ yếu trong việc mua hàng hóa, dịch vụ, có ảnh hưởng lớn đến chi phí nhân công, nguyên vật liệu và các chi phí sản xuất, kinh doanh khác, thông thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để thanh toán cho các chi phí đó.
- Các yếu tố sau đây cũng được xem xét và cung cấp bằng chứng về đơn vị tiền tệ trong kế toán của đơn vị:
+ Đơn vị tiền tệ sử dụng để huy động các nguồn lực tài chính (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu);
+ Đơn vị tiền tệ thường xuyên thu được từ các hoạt động kinh doanh và được tích trữ lại.
- Đơn vị tiền tệ trong kế toán phản ánh các giao dịch, sự kiện, điều kiện liên quan đến hoạt động của đơn vị. Sau khi xác định được đơn vị tiền tệ trong kế toán thì đơn vị không được thay đổi trừ khi có sự thay đổi trọng yếu trong các giao dịch, sự kiện và điều kiện đó.