Vừa thành lập doanh nghiệp kinh doanh trong mảng buôn bán thiết bị gia dụng, do đó tôi cần được hướng dẫn trong việc soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa? – Trí Kiên (Phú Yên).
>> Điều kiện, hồ sơ bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp nhà nước, kiểm soát viên 2023
>> Toàn bộ Luật, Nghị định, Thông tư bắt đầu có hiệu lực tháng 10/2023
Căn cứ theo quy định tại Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015: hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Căn cứ Điều 431 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 25 Luật Thương mại 2005 thì:
Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là các hàng hóa không bị cấm kinh doanh. Cụ thể, hàng hóa bị cấm kinh doanh được quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020, bao gồm:
- Các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật Đầu tư 2020.
- Các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật Đầu tư 2020.
- Mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật Đầu tư 2020.
- Người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người.
- Pháo nổ.
Đối với hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hoá kinh doanh có điều kiện do Chính phủ quy định, việc mua bán chỉ được thực hiện khi hàng hoá và các bên mua bán hàng hóa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Hợp đồng mua bán hàng hoá có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
Tuy nhiên, cần lưu ý đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực thì phải tuân theo các quy định đó (ví dụ hợp đồng mua bán nhà ở).
Hợp đồng mua bán hàng hóa cần phải có những điều khoản cơ bản sau:
- Thông tin của bên bán và bên mua hàng hóa:
+ Đối với cá nhân: Họ, tên; địa chỉ; số điện thoại; số CMND/CCCD/Hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; số tài khoản và ngân hàng giao dịch của cá nhân.
+ Đối với doanh nghiệp (pháp nhân): Tên doanh nghiệp, mã số thuế/mã số đăng ký doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại, số fax, số tài khoản, ngân hàng giao dịch của doanh nghiệp và thông tin của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (bao gồm họ, tên, chức vụ, số CMND/CCCD/Hộ chiếu, ngày cấp và nơi cấp).
- Đối tượng của hợp đồng mua bán:
Tùy thuộc vào loại hàng hóa mà trong hợp đồng cần nêu rõ tên hàng hóa, số lượng, trọng lượng, khối lượng, kích thước, chủng loại, chất lượng, tính đồng bộ của hàng hóa, yêu cầu kỹ thuật đối với hàng hóa.
- Giá cả hàng hóa và phương thức thanh toán:
Do các bên thỏa thuận với nhau và ghi vào hợp đồng:
+ Giá cả hàng hóa: ghi đơn giá, tổng giá trị của hợp đồng, đồng tiền thanh toán.
+ Phương thức thanh toán: thanh toán bằng tiền mặt/chuyển khoản/... Nếu chọn phương thức chuyển khoản thì cần nêu rõ thông tin của tài khoản giao dịch (số tài khoản, tên ngân hàng, chi nhánh, tên người thụ hưởng).
Trường hợp pháp luật quy định giá, phương thức thanh toán phải theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thỏa thuận của các bên phải phù hợp với quy định đó.
- Địa điểm và phương thức giao hàng:
Hai bên thỏa thuận địa điểm giao hàng cụ thể, giao hàng một lần hay chia thành từng đợt, ngoài ra cần thỏa thuận việc giao hàng là nghĩa vụ của bên bán hay người vận chuyển.
- Thời hạn thực hiện hợp đồng:
Là thời hạn thanh toán, thời hạn giao hàng, nếu nghĩa vụ thanh toán hoặc giao hàng được chia thành nhiều đợt thì ghi rõ thời điểm thực hiện nghĩa vụ của từng đợt.
Bên cạnh đó, trong hợp đồng cần nêu rõ ngày tháng năm, địa điểm lập hợp đồng mua bán.
- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
- Bảo hành và hướng dẫn sử dụng hàng hóa.
- Điều khoản phạt vi phạm hợp đồng.
- Điều khoản giải quyết tranh chấp: Khi có tranh chấp xảy ra, hai bên nên ưu tiên việc thỏa thuận với nhau. Nếu không giải quyết được bằng thỏa thuận, hai bên thống nhất sẽ giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại hoặc Tòa án.
Bên cạnh đó, các bên còn có thể bổ sung thêm những điều khoản khác cho phù hợp với tình hình thực tế nhưng không được trái đạo đức xã hội và quy định của pháp luật.
Xem và tải Mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa [TẠI ĐÂY].