Từ năm 2024, những đối tượng nào được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư? – Hữu Tiến (Hà Tĩnh).
>> Bộ công cụ đánh giá doanh nghiệp nhỏ và vừa tiềm năng tham gia chuỗi giá trị 2023
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 07/08/2023
Ngày 23/6/2023, Quốc hội ban hành Luật Đấu thầu 2023. Văn bản này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024.
Đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu được quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Đấu thầu 2023 bao gồm:
(i) Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.
(ii) Sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
(iii) Nhà thầu trong nước sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam phù hợp với hồ sơ mời thầu.
(iv) Nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu.
(v) Nhà thầu trong nước tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh với nhà thầu trong nước khác khi tham dự đấu thầu quốc tế.
(vi) Nhà thầu là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
(vii) Nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật.
(viii) Nhà thầu có sử dụng số lượng lao động nữ từ 25% trở lên; số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật từ 25% trở lên; số lượng lao động là người dân tộc thiểu số từ 25% trở lên.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư 2024
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư được quy định tại khoản 4 Điều 10 Luật Đấu thầu 2023 bao gồm:
- Nhà đầu tư có giải pháp ứng dụng công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Nhà đầu tư cam kết chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao hoặc thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
Căn cứ Điều 9 Luật Đấu thầu 2023, xử lý và lưu trữ hồ sơ trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được quy định cụ thể như sau:
(i) Hồ sơ đề xuất về tài chính của nhà thầu không vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật được trả lại nguyên trạng cho nhà thầu theo thời hạn sau đây:
- Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn: trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn.
- Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ: được thực hiện khi hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu của nhà thầu không được lựa chọn hoặc khi đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu.
(ii) Hồ sơ đề xuất về tài chính của các nhà đầu tư không vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật được trả lại nguyên trạng cho nhà đầu tư khi hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu của nhà đầu tư không được lựa chọn hoặc khi đăng tải kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
(iii) Trường hợp hết thời hạn quy định tại mục (i) và (ii) mà nhà thầu, nhà đầu tư không nhận lại hồ sơ đề xuất về tài chính của mình thì bên mời thầu xem xét, quyết định việc hủy hồ sơ nhưng phải bảo đảm thông tin không bị tiết lộ.
(iv) Trường hợp hủy thầu, hồ sơ liên quan được lưu trữ trong thời hạn 05 năm kể từ ngày quyết định hủy thầu được ban hành.
(v) Hồ sơ quyết toán, hồ sơ hoàn công và tài liệu liên quan đến nhà thầu trúng thầu của gói thầu được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
(vi) Toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được lưu trữ trong thời hạn tối thiểu là 05 năm kể từ ngày quyết toán hợp đồng hoặc ngày chấm dứt hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, trừ hồ sơ quy định tại các mục (i), (ii) và (iv) và (v).