Tra cứu Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài việc phải đáp ứng các quy định chung về đăng ký kinh doanh thì đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện nhất định. Tiện ích Tra cứu ngành nghề kinh doanh có điều kiện được xây dựng nhằm giúp Quý khách hàng thuận tiện trong việc nắm bắt thông tin về điều kiện, hồ sơ, thủ tục để tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các ngành nghề yêu cầu điều kiện cụ thể.
Điều kiện để được hoạt động dầu khí
Dầu khí bao gồm dầu thô, khí thiên nhiên và hydrocarbon ở thể rắn hoặc nửa rắn trong trạng thái tự nhiên, dầu khí phi truyền thống. Dầu khí phi truyền thống bao gồm khí than, dầu đá phiến hoặc dầu sét, khí đá phiến hoặc khí sét, băng cháy, bitum hoặc các dạng khác có thể tồn tại.
Hoạt động dầu khí bao gồm hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí, khai thác dầu khí, thu dọn công trình dầu khí.
1. Tổ chức, cá nhân muốn được tiến hành hoạt động dầu khí phải đáp ứng các nguyên tắc sau đây:
(i) Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán, bảo đảm lợi ích và an ninh quốc gia của Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
(ii) Phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó sự cố tràn dầu, bảo vệ tài nguyên, di sản văn hóa và bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
(iii) Phải sử dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.
(iv) Phải mua bảo hiểm đối với công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí; bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường; bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba; bảo hiểm con người; bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.
(v) Việc thu thập, giao nộp, quản lý, sử dụng, bảo mật các mẫu vật, tài liệu, thông tin, dữ liệu thu được trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và hợp đồng dầu khí.
2. Yêu cầu về an toàn dầu khí
(i) Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải thiết lập vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí, bao gồm:
- Vùng cấm xâm nhập đối với các công trình dầu khí trên biển, ngoại trừ các công trình ngầm, là vùng được xác định bằng bán kính 500 mét tính từ rìa ngoài cùng của các công trình về mọi phía bao gồm cả vị trí thả neo đối với các phương tiện nổi, công trình di động, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
- Vùng cấm thả neo hoặc tiến hành các hoạt động ngầm dưới đáy biển là vùng được xác định trong phạm vi 02 hải lý tính từ rìa ngoài cùng của công trình dầu khí bao gồm cả các công trình ngầm dưới đáy biển; các phương tiện, tàu thuyền không được thả neo hoặc tiến hành các hoạt động ngầm dưới đáy biển, trừ trường hợp đặc biệt do nhà thầu chấp thuận hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định.
(ii) Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải thực hiện các công việc bảo đảm an toàn dầu khí sau đây:
- Xây dựng các tài liệu về quản lý an toàn, bao gồm chương trình quản lý an toàn, báo cáo đánh giá rủi ro, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Thiết lập, duy trì và phát triển hệ thống quản lý an toàn bảo đảm kiểm soát các rủi ro trong toàn bộ hoạt động dầu khí;
- Thiết lập và duy trì hệ thống ứng cứu khẩn cấp hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra các sự cố, tai nạn gây nguy hại cho người, môi trường hoặc tài sản;
- Trang bị hệ thống cảnh báo có khả năng phát hiện tình huống xấu có thể xảy ra gây nguy hiểm cho công trình, môi trường và tự động thông báo, thông tin cho trung tâm điều hành đối với các công trình dầu khí trên biển không có người làm việc thường xuyên;
- Có tàu trực để bảo đảm ứng cứu kịp thời trong trường hợp khẩn cấp đối với các công trình dầu khí trên biển có người làm việc thường xuyên. Người điều hành hoạt động dầu khí ở các khu vực mỏ hoặc lô dầu khí lân cận có thể phối hợp sử dụng chung tàu trực nhưng phải bảo đảm có tàu trực liên tục để ứng cứu kịp thời trong trường hợp khẩn cấp.
(Xem hướng dẫn chi tiết nội dung an toàn trong hoạt động dầu khí này tại Chương V Nghị định 45/2023/NĐ-CP).
3. Điều kiện tham gia lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí
Hoạt động dầu khí thực hiện trên cơ sở hợp đồng dầu khí được ký kết đối với các lô dầu khí theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trừ trường hợp khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí theo quy định tại điểm c khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 41 của Luật Dầu khí 2022. Trong đó, hợp đồng dầu khí là sự thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với nhà thầu để tiến hành hoạt động dầu khí.
Theo đó, doanh nghiệp tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (gọi tắt là bên dự thầu) phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Doanh nghiệp có đăng ký thành lập, hoạt động được cấp theo quy định pháp luật của quốc gia bên dự thầu.
- Có đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí; trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện này thì phải liên danh với các tổ chức, cá nhân khác để có đủ điều kiện tham gia đấu thầu.
Việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tại lô dầu khí mở được thực hiện thông qua một trong các hình thức sau đây:
- Đấu thầu rộng rãi;
- Đấu thầu hạn chế;
- Chào thầu cạnh tranh;
- Chỉ định thầu.
Doanh nghiệp là bên dự thầu gửi hồ sơ dự thầu (đối với hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế) hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh (đối với hình thức chào thầu cạnh tranh) hoặc hồ sơ đề xuất (đối với hình thức chỉ định thầu) đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời hạn được ghi trong hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ yêu cầu.
Sau khi doanh nghiệp được lựa chọn để trở thành nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì cần tiến hành:
4. Lập các chương trình, báo cáo, kế hoạch và trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Chương trình hoạt động và ngân sách hoạt động | Lập hằng năm, căn cứ vào cam kết trong hợp đồng dầu khí và chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt (nếu có). |
Chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí | Lập trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí trên cơ sở quy định trong hợp đồng dầu khí. |
Báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí | Lập nếu phát hiện dầu khí có tính thương mại trong diện tích hợp đồng dầu khí trên cơ sở kết quả thăm dò, thẩm lượng dầu khí. |
Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí | Lập sau khi báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí được phê duyệt, nhà thầu triển khai thực hiện giai đoạn phát triển mỏ dầu khí. |
Kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí | Lập trong trường hợp cần nghiên cứu, thu thập bổ sung thông tin để giảm thiểu rủi ro sau này sau khi kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt. |
Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí | Lập sau khi kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt hoặc trước khi kết thúc thời hạn thực hiện của kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí. |
5. Thu gom khí sau khi đã sử dụng nội mỏ (nếu có)
Nhà thầu có trách nhiệm thu gom khí sau khi đã sử dụng nội mỏ (nếu có) trong quá trình khai thác dầu khí và phải lập phương án thu gom khí trong kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí hoặc kế hoạch phát triển mỏ dầu khí.
6. Thu dọn công trình dầu khí không còn sử dụng hoặc không thể tiếp tục phục vụ cho hoạt động dầu khí
- Trong quá trình tiến hành hoạt động dầu khí, sau khi kết thúc từng giai đoạn hoặc kết thúc hợp đồng dầu khí, nhà thầu phải thu dọn các công trình dầu khí không còn sử dụng hoặc không thể tiếp tục phục vụ cho hoạt động dầu khí do bị hư hỏng nặng, không phù hợp với công nghệ gây ảnh hưởng đến an toàn và hiệu quả của hoạt động dầu khí.
- Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày có dòng dầu, khí đầu tiên được khai thác thương mại từ diện tích hợp đồng dầu khí, nhà thầu phải lập kế hoạch thu dọn công trình dầu khí trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt.
- Chậm nhất là 01 năm trước ngày kết thúc hợp đồng dầu khí hoặc kết thúc thời gian khai thác mỏ dầu khí, nhà thầu phải cập nhật kế hoạch thu dọn công trình dầu khí trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt.
7. Lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn cong trình dầu khí
- Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày có dòng dầu, khí đầu tiên được khai thác thương mại từ diện tích hợp đồng dầu khí, nhà thầu phải lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí.
- Trước khi kết thúc hợp đồng dầu khí hoặc kết thúc thời hạn giai đoạn khai thác dầu khí của mỏ, nhà thầu phải hoàn thành trích nộp quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí.
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.
Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Công việc tương tự:
Bài viết liên quan:
- Đã có Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư
- Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh với nhà đầu tư từ năm 2024
- Tư cách hợp lệ đối với nhà thầu và nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2024
- Quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu năm 2024
- Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 11/08/2023
Câu hỏi thường gặp:
Bài viết liên quan:
- Đã có Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư
- Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh với nhà đầu tư từ năm 2024
- Tư cách hợp lệ đối với nhà thầu và nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2024
- Quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu năm 2024
- Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 11/08/2023