Sắp tới, quy định về cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện có gì mới so với quy định hiện hành hay không? Mong được giải đáp cụ thể! – Lan Phương (Ninh Bình).
>> Chính sách đối với doanh nghiệp chế xuất trong khu công nghệ cao từ 25/3/2024
>> Phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen từ ngày 21/3/2024
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 14/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/3/2024. Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2018/ NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương 2017 về một số biện pháp phát triển ngoại thương. Theo đó, quy định về thủ tục cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện từ ngày 25/3/2024 được thực hiện như sau:
Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài được cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện khi có đủ các điều kiện sau đây:
(i) Có nhu cầu tiếp tục hoạt động tại Việt Nam theo hình thức Văn phòng đại diện.
(ii) Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài vẫn đang hoạt động theo pháp luật của nước nơi tổ chức xúc tiến thương mại đó thành lập.
(iii) Không có hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 6 Điều 26 Nghị định 28/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 1 Nghị định 14/2024/NĐ-CP).
Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài được cấp lại trong trường hợp sau:
(i) Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện bị mất, cháy, rách, nát hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác.
(ii) Thay đổi địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác. Chậm nhất 90 ngày trước ngày dự kiến thay đổi địa điểm đặt trụ sở, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài hoặc Văn phòng đại diện phải gửi thông báo về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở đến các chủ nợ, người lao động trong Văn phòng đại diện, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan khác. Thông báo này phải nêu rõ thời điểm dự kiến thay đổi địa điểm đặt trụ sở của Văn phòng đại diện, phải niêm yết công khai tại trụ sở của Văn phòng đại diện và đăng báo viết hoặc báo điện tử được phép phát hành tại Việt Nam trong 03 số liên tiếp.
Lưu ý: Nội dung tại Mục 2 này là quy định mới vừa được Nghị định 14/2024/NĐ-CP bổ sung.
File Word các Luật nổi bật và văn bản hướng dẫn thi hành (còn hiệu lực) |
Điểm mới về cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện trong 2024 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện được thực hiện như sau:
(i) 01 văn bản đề nghị cơ quan cấp Giấy phép nơi đặt trụ sở Văn phòng đại diện theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 14/2024/NĐ-CP (áp dụng trong trường hợp quy định tại khoản (i) Mục 2 nêu trên).
(ii) 01 văn bản đề nghị cơ quan cấp Giấy phép nơi dự kiến chuyển trụ sở Văn phòng đại diện theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 14/2024/NĐ-CP; bản gốc Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam đang còn thời hạn hoạt động ít nhất 60 ngày; tài liệu chứng minh đã thực hiện niêm yết công khai tại trụ sở của Văn phòng đại diện và đăng báo viết hoặc báo điện tử được phép phát hành tại Việt Nam trong 03 số liên tiếp về việc chuyển trụ sở của Văn phòng đại diện đến tỉnh, thành phố khác (áp dụng trong trường hợp quy định tại khoản (ii) Mục 2 nêu trên).
Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài được lựa chọn một trong các cách thức gửi đơn đề nghị sau:
(i) Gửi qua dịch vụ bưu chính đến cơ quan cấp Giấy phép.
(ii) Nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan cấp Giấy phép. Người nộp đơn phải có giấy giới thiệu hoặc ủy quyền của Văn phòng đại diện tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài.
(iii) Nộp trực tuyến các thành phần hồ sơ điện tử có giá trị pháp lý qua Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh. Đây là quy định mới vừa được Nghị định 14/2024/NĐ-CP bổ sung.
Trình tự cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện như sau:
(i) Trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản (i) Mục 2 nêu trên, cơ quan cấp Giấy phép có trách nhiệm cấp lại Giấy phép cho tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài. Giấy phép được cấp lại trong trường hợp này có thời hạn trùng với thời hạn của Giấy phép bị mất, cháy, rách, nát hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác.
(ii) Khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo quy định tại khoản (ii) Mục 2 nêu trên, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản gửi Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Văn phòng đại diện đang đặt trụ sở xin ý kiến về việc cấp lại Giấy phép. Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Văn phòng đại diện đang đặt trụ sở trả lời bằng văn bản không quá 14 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. Thời hạn cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo quy định tại khoản (ii) Mục 2 nêu trên là 26 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp lại của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, trường hợp không cấp cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do, đồng thời trả lại bản gốc Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện đã nộp theo hồ sơ đề nghị cấp lại. Giấy phép được cấp lại trong trường hợp này có thời hạn theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Nghị định 28/2018/NĐ-CP.
(iii) Sau khi cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, cơ quan cấp Giấy phép gửi bản điện tử của Giấy phép đã được cấp lại cho các cơ quan quy định tại khoản 7 Điều 26 Nghị định 28/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại điểm đ khoản 1 Điều 1 Nghị định 14/2024/NĐ-CP).
Hiện nay, theo Nghị định 28/2018/NĐ-CP thì thời hạn cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện được quy chung cho tất cả các trường hợp. Cụ thể, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, cơ quan cấp Giấy phép có trách nhiệm cấp lại Giấy phép và gửi bản sao Giấy phép đã được cấp lại cho các cơ quan quy định tại khoản 7 Điều 26 Nghị định 28/2018/NĐ-CP.
Lưu ý: Các hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính nộp trước ngày 25/3/2024 thì áp dụng theo quy định của Nghị định 28/2018/NĐ-CP.