Cho tôi hỏi cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi có điểm gì mới? Đối tượng nào phải thực hiện việc cắm mốc này? – Mỹ Linh (Gia Lai).
Trước đây, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện và hồ chứa thủy lợi được quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 43/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, ngày 12/05/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2015/NĐ-CP về lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
Nội dung thay đổi về cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi từ ngày 12/5/2023 được quy định tại Điều 1 Nghị định 22/2023/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12 Nghị định 43/2015/NĐ-CP), cụ thể như sau:
(i) Nộp phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi
- Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến 01 bản phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện, thủy lợi đến Trung tâm Phục vụ hành chính công (hoặc Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Tài nguyên và Môi trường).
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án cắm mốc giới của tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét, kiểm tra phương án.
Trường hợp chưa đạt yêu cầu nêu tại Mục 3 dưới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa để bổ sung hoàn thiện
(ii) Tiếp thu, giải trình các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được phương án đạt yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều này, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lấy ý kiến của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có hồ chứa, các cơ quan, đơn vị có liên quan; nếu cần thiết thì trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp ý kiến và gửi tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa để hoàn thiện. Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa có trách nhiệm tiếp thu, giải trình các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp đủ điều kiện, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc; trường hợp không đủ điều kiện phê duyệt thì trả lại phương án cho tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa và thông báo bằng văn bản cho tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa biết và nêu rõ lý do;
(iii) Thông báo, trả kết quả phương án cắm mốc giới
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo, trả kết quả cho tổ chức quản lý vận hành hồ chứa bằng hình thức trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (hoặc Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Tài nguyên và Môi trường) hoặc qua đường bưu điện hoặc thông qua dịch vụ công trực tuyến.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Điểm mới về cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi từ ngày 12/5/2023
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Hồ chứa thủy điện, thủy lợi có dung tích từ một triệu mét khối (1.000.000 m3) trở lên phải thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước.
(Căn cứ tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 43/2015/NĐ-CP)
Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa quy định tại Mục 2 nêu trên chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có hồ chứa xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa. Phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải có các nội dung chính sau đây:
- Thông số cơ bản của hồ chứa.
- Hiện trạng quản lý, sử dụng đất quanh hồ chứa.
- Xác định phạm vi cụ thể của hành lang bảo vệ hồ chứa trên sơ đồ mặt bằng.
- Tọa độ, địa danh hành chính của các mốc giới, khoảng cách của các mốc giới trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000 đến 1/2.000.
- Phương án huy động nhân lực, vật tư, vật liệu, thi công, giải phóng mặt bằng trên thực địa.
- Tiến độ cắm mốc, bàn giao mốc giới, kinh phí thực hiện.
(Căn cứ tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 43/2015/NĐ-CP)
Thời hạn hoàn thành việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi quy định như sau:
- Đối với hồ chứa đang xây dựng, chưa đưa vào vận hành, việc bàn giao mốc giới phải hoàn thành trước khi thực hiện việc tích nước hồ chứa;
- Đối với các hồ chứa đang hoạt động mà chưa thực hiện việc bàn giao mốc giới theo quy định tại Nghị định 112/2008/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 43/2015/NĐ-CP) thì phải hoàn thành việc bàn giao mốc giới trong thời hạn không quá hai (02) năm đối với hồ chứa thủy điện, năm (05) năm đối với hồ chứa thủy lợi kể từ ngày 01/07/2015.
(Căn cứ tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 43/2015/NĐ-CP)