PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục hướng dẫn Chuẩn mực kiểm toán số 706: Đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” và “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán về BCTC theo Thông tư 200/2014/TT-BTC qua bài viết sau đây:
Căn cứ theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam Chuẩn mực kiểm toán số 706: Đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” và “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính (gọi tắt là Chuẩn mực kiểm toán số 706) ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC, Chuẩn mực kiểm toán số 706 được tiếp tục quy định như sau:
Khi thực hiện Chuẩn mực kiểm toán số 706 cần tham khảo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200: Mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC).
Hướng dẫn đoạn 08 Chuẩn mực kiểm toán số 706 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
(i) “Vấn đề khác” thích hợp để người sử dụng hiểu rõ hơn về cuộc kiểm toán
Trong rất ít trường hợp, do sự áp đặt của Ban Giám đốc làm giới hạn phạm vi kiểm toán dẫn đến việc kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp và điều này có thể có ảnh hưởng lan tỏa đối với báo cáo tài chính nhưng kiểm toán viên không thể rút khỏi hợp đồng kiểm toán (xem đoạn 13(b)(ii) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 705 ban hành kèm theo Thông tư 214/2015/TT-BTC về tình huống này). Khi đó, ngoài việc từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán theo quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 705, kiểm toán viên có thể thấy cần phải trình bày đoạn “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán để giải thích lý do của việc kiểm toán viên không thể rút khỏi hợp đồng kiểm toán.
Chuẩn mực kiểm toán số 706 theo Hệ Thống Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam |
Chuẩn mực kiểm toán số 706: Đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” và “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán về BCTC (Phần 4)
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
(ii) “Vấn đề khác” thích hợp để người sử dụng hiểu rõ hơn về trách nhiệm của kiểm toán viên hoặc về báo cáo kiểm toán
- Pháp luật và các quy định có thể yêu cầu hoặc cho phép kiểm toán viên trình bày chi tiết về các vấn đề để giải thích thêm về trách nhiệm của kiểm toán viên trong cuộc kiểm toán báo cáo tài chính hoặc về báo cáo kiểm toán. Khi cần thiết, kiểm toán viên có thể sử dụng tiêu đề phụ để mô tả nội dung của đoạn “Vấn đề khác”.
- Đoạn “Vấn đề khác” không được sử dụng để trình bày về các trách nhiệm báo cáo khác trong trường hợp kiểm toán viên có các trách nhiệm báo cáo khác ngoài trách nhiệm đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính theo quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (xem “Các trách nhiệm báo cáo khác” quy định tại đoạn 38 - 39 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 700: Hình thành ý kiến kiểm toán và báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC), hoặc khi kiểm toán viên được yêu cầu phải thực hiện và báo cáo về các thủ tục bổ sung cụ thể, hay phải đưa ra ý kiến về các vấn đề cụ thể.
(iii) Báo cáo kiểm toán về hai báo cáo tài chính trở lên
Một đơn vị có thể lập và trình bày một báo cáo tài chính theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích chung (ví dụ, theo chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán (doanh nghiệp)Việt Nam) và một báo cáo tài chính theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích chung khác (ví dụ, theo chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế). Đơn vị có thể yêu cầu kiểm toán viên kiểm toán cả hai bộ báo cáo tài chính này. Nếu kiểm toán viên xác định rằng các khuôn khổ về lập và trình bày các báo cáo tài chính đó là có thể chấp nhận được thì kiểm toán viên có thể trình bày đoạn “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán, trong đó nêu rõ đơn vị đã lập một báo cáo tài chính khác theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích chung khác và kiểm toán viên đã phát hành một báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính đó.
(iv) Hạn chế việc cung cấp hoặc sử dụng báo cáo kiểm toán
Báo cáo tài chính được lập cho mục đích đặc biệt có thể được lập và trình bày theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích chung vì đối tượng sử dụng dự kiến đã xác định là báo cáo tài chính đó vẫn đáp ứng được các thông tin tài chính mà đối tượng sử dụng cần. Do báo cáo kiểm toán được sử dụng cho các đối tượng dự kiến cụ thể, nên kiểm toán viên cần trình bày thêm đoạn “Vấn đề khác”, trong đó nêu rõ là báo cáo kiểm toán chỉ đáp ứng yêu cầu của các đối tượng sử dụng dự kiến và không được cung cấp hoặc cho các bên khác sử dụng.
Quý khách hàng xem tiếp tục >> Chuẩn mực kiểm toán số 706: Đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” và “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán về BCTC (Phần 5)