PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục trình bày nội dung Chuẩn mực kiểm toán số 505: Thông tin xác nhận từ bên ngoài qua bài viết sau đây:
>> Chuẩn mực kiểm toán số 505: Thông tin xác nhận từ bên ngoài (Phần 5)
>> Chuẩn mực kiểm toán số 505: Thông tin xác nhận từ bên ngoài (Phần 4)
Căn cứ theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam Chuẩn mực kiểm toán số 505: Thông tin xác nhận từ bên ngoài (gọi tắt là Chuẩn mực kiểm toán số 505) (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC), Chuẩn mực kiểm toán số 505 được tiếp tục quy định như sau:
Khi thực hiện Chuẩn mực này cần tham khảo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200: Mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC).
Hướng dẫn đoạn 08(a) Chuẩn mực kiểm toán 505 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
Việc Ban Giám đốc không đồng ý để kiểm toán viên gửi thư xác nhận làm hạn chế phạm vi thu thập bằng chứng kiểm toán mà kiểm toán viên mong muốn. Do đó, kiểm toán viên cần điều tra nguyên nhân của sự không đồng ý này. Nguyên nhân phổ biến là giữa đơn vị được kiểm toán và bên xác nhận hiện đang tồn tại tranh chấp pháp lý hoặc hai bên đang thương lượng và việc thư xác nhận xuất hiện không đúng lúc có thể ảnh hưởng đến cách giải quyết tranh chấp hoặc thương lượng đó. Kiểm toán viên cần tìm kiếm bằng chứng kiểm toán về tính hợp lý và hợp lệ của các lý do, vì có thể có rủi ro là Ban Giám đốc cố tình ngăn không cho kiểm toán viên thu thập bằng chứng kiểm toán cho thấy sự tồn tại của gian lận hoặc nhầm lẫn.
Chuẩn mực kiểm toán số 505 theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam |
Chuẩn mực kiểm toán số 505: Thông tin xác nhận từ bên ngoài (Phần 6) (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Hướng dẫn đoạn 08(b) Chuẩn mực kiểm toán 505 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
Kiểm toán viên có thể kết luận từ đánh giá trong đoạn 08(b) Chuẩn mực kiểm toán số 505 rằng cần phải xem xét lại đánh giá về rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu và điều chỉnh các thủ tục kiểm toán dự kiến theo đoạn 31 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 315: Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC). Ví dụ, nếu lý do Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán yêu cầu không gửi thư xác nhận là không hợp lý, điều này có thể cho thấy một yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận cần được đánh giá theo đoạn 24 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 240: Trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến gian lận trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC).
Hướng dẫn đoạn 08(c) Chuẩn mực kiểm toán 505 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
Các thủ tục kiểm toán thay thế được thực hiện có thể tương tự như các thủ tục áp dụng khi thư xác nhận không được phản hồi như hướng dẫn tại đoạn A18 - A19 Chuẩn mực kiểm toán số 505. Các thủ tục cũng cần tính đến các kết quả đánh giá của kiểm toán viên tại đoạn 08(b) Chuẩn mực kiểm toán số 505.
Hướng dẫn đoạn 10 Chuẩn mực kiểm toán 505 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
- Theo đoạn A31 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 500 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC, thậm chí khi bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các nguồn bên ngoài đơn vị được kiểm toán thì cũng có thể có trường hợp làm ảnh hưởng đến độ tin cậy của các bằng chứng đó. Tất cả các phản hồi đều có thể có rủi ro bị che đậy, sửa đổi hoặc gian lận. Rủi ro đó luôn tồn tại cho dù thư phúc đáp nhận được ở dạng giấy tờ, thư điện tử hoặc các phương tiện khác. Các yếu tố có thể làm phát sinh nghi ngờ về độ tin cậy của thông tin phản hồi bao gồm:
+ Thư phúc đáp được kiểm toán viên gián tiếp nhận; hoặc
+ Thư phúc đáp có thể không do bên xác nhận gửi.
- Thư phúc đáp được nhận qua phương tiện điện tử, ví dụ qua fax hoặc thư điện tử, chứa đựng rủi ro về độ tin cậy vì có thể khó tìm được bằng chứng về nguồn gốc và thẩm quyền của người phúc đáp, và có thể khó phát hiện ra những sửa đổi. Một quy trình được kiểm toán viên và người phúc đáp sử dụng để tạo ra một môi trường an toàn cho các phản hồi nhận được qua phương tiện điện tử có thể giảm thiểu các rủi ro này. Nếu kiểm toán viên tin tưởng rằng quy trình đó là an toàn và được kiểm soát đúng đắn thì độ tin cậy của các thông tin phản hồi tăng lên. Quá trình xác nhận qua phương tiện điện tử có thể kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau để xác nhận danh tính hợp lệ của người gửi thông tin điện tử, ví dụ, bằng cách sử dụng mật mã, chữ ký điện tử, và các thủ tục để xác minh tính xác thực của trang thông tin điện tử.
- Nếu bên xác nhận kết hợp với một bên thứ ba để phúc đáp lại thư xác nhận, kiểm toán viên có thể thực hiện các thủ tục để xác định rủi ro, khi:
+ Thư phúc đáp có thể không được gửi từ nguồn đáng tin cậy.
+ Người phúc đáp có thể không có quyền phúc đáp.
+ Đường truyền thông tin có thể không an toàn.
- Đoạn 11 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 500 yêu cầu kiểm toán viên quyết định liệu có điều chỉnh hoặc bổ sung các thủ tục kiểm toán hay không để giải quyết nghi ngờ về độ tin cậy của tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán. Kiểm toán viên có thể xác minh nguồn và nội dung của thông tin phản hồi thư xác nhận bằng cách liên hệ với bên xác nhận. Ví dụ, khi bên xác nhận gửi thư phúc đáp điện tử, kiểm toán viên có thể gọi điện cho bên xác nhận để xác minh có đúng là bên xác nhận đã gửi thư phúc đáp không. Khi thư phúc đáp được gửi gián tiếp cho kiểm toán viên (ví dụ, do bên xác nhận đã đề nhầm địa chỉ bên nhận là đơn vị được kiểm toán thay vì kiểm toán viên), kiểm toán viên có thể yêu cầu bên xác nhận tiếp tục phúc đáp trực tiếp bằng văn bản cho kiểm toán viên.
- Phản hồi bằng lời cho thư xác nhận không thoả mãn định nghĩa về thông tin xác nhận từ bên ngoài vì đó không phải là phản hồi trực tiếp bằng văn bản cho kiểm toán viên. Tuy nhiên, khi thu thập phản hồi bằng lời cho thư xác nhận, tùy từng trường hợp cụ thể, kiểm toán viên có thể yêu cầu bên xác nhận phản hồi trực tiếp bằng văn bản cho kiểm toán viên. Nếu không nhận được phản hồi trực tiếp này, theo quy định tại đoạn 12 Chuẩn mực kiểm toán số 505, kiểm toán viên phải thu thập các bằng chứng kiểm toán khác để bổ sung cho thông tin phản hồi bằng lời.
- Thư phúc đáp có thể có giới hạn về đối tượng và mục đích sử dụng. Những giới hạn này không nhất thiết làm giảm độ tin cậy của thư phúc đáp được dùng làm bằng chứng kiểm toán.
Quý khách hàng xem tiếp tục >> Chuẩn mực kiểm toán số 505: Thông tin xác nhận từ bên ngoài (Phần 7).