Hiện nay, chuẩn mực kiểm toán số 330: Biện pháp xử lý của kiểm toán viên đối với rủi ro đã đánh giá được quy định như thế nào? – Mỹ Duyên (Bình Thuận).
Căn cứ Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam Chuẩn mực kiểm toán số 330: Biện pháp xử lý của kiểm toán viên đối với rủi ro đã đánh giá (gọi tắt là Chuẩn mực kiểm toán số 330) (ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Bộ Tài chính), chuẩn mực kiểm toán số 330 được quy định như sau:
- Chuẩn mực kiểm toán số 330 quy định và hướng dẫn trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán (sau đây gọi là “kiểm toán viên”) trong việc thiết kế và thực hiện các biện pháp xử lý đối với các rủi ro có sai sót trọng yếu mà kiểm toán viên đã xác định và đánh giá khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 315.
- Kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán (sau đây gọi là “kiểm toán viên”) phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực kiểm toán số 330 trong quá trình thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính.
Đơn vị được kiểm toán (khách hàng) và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực kiểm toán số 330 để phối hợp công việc với kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán, cũng như xử lý các mối quan hệ liên quan đến các thông tin đã được kiểm toán.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Chuẩn mực kiểm toán số 330: Biện pháp xử lý của kiểm toán viên đối với rủi ro đã đánh giá (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Mục tiêu của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán là thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến các rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá, thông qua việc thiết kế và thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp đối với các rủi ro này.
Trong các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Thử nghiệm cơ bản: Là thủ tục kiểm toán được thiết kế nhằm phát hiện các sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu. Các thử nghiệm cơ bản bao gồm:
+ Kiểm tra chi tiết (các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh);
+ Thủ tục phân tích cơ bản.
- Thử nghiệm kiểm soát: Là thủ tục kiểm toán được thiết kế nhằm đánh giá tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát trong việc ngăn ngừa, hoặc phát hiện và sửa chữa các sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu.
Kiểm toán viên phải thiết kế và thực hiện các biện pháp xử lý tổng thể đối với các rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá ở cấp độ báo cáo tài chính (xem hướng dẫn tại đoạn A1 - A3 Chuẩn mực kiểm toán số 330 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC).
(i) Kiểm toán viên phải thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo với nội dung, lịch trình và phạm vi dựa vào kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu (xem hướng dẫn tại đoạn A4 - A8 Chuẩn mực kiểm toán số 330 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC).
(ii) Khi thiết kế các thủ tục kiểm toán tiếp theo, kiểm toán viên phải:
- Xem xét các lý do đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu cho từng nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh, bao gồm:
+ Khả năng xảy ra sai sót trọng yếu do các đặc tính cụ thể của các nhóm giao dịch, số dư tài khoản, hoặc thông tin thuyết minh có liên quan (rủi ro tiềm tàng);
+ Liệu việc đánh giá rủi ro có xem xét đến các kiểm soát có liên quan hay không (rủi ro kiểm soát), và nếu có, kiểm toán viên phải thu thập bằng chứng kiểm toán để xác định xem các kiểm soát có hoạt động hiệu quả không (có nghĩa là: kiểm toán viên dự định dựa vào tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát để xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thử nghiệm cơ bản) (xem hướng dẫn tại đoạn A9 - A18 Chuẩn mực kiểm toán số 330 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC);
- Mức độ rủi ro được kiểm toán viên đánh giá càng cao thì càng phải thu thập bằng chứng kiểm toán thuyết phục hơn (xem hướng dẫn tại đoạn A19 Chuẩn mực kiểm toán số 330 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC).
Quý khách hàng xem tiếp >> Chuẩn mực kiểm toán số 330: Biện pháp xử lý của kiểm toán viên đối với rủi ro đã đánh giá (Phần 2)