PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục trình bày nội dung Chuẩn mực kiểm toán số 315: Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán qua bài viết sau đây:
Căn cứ theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam Chuẩn mực kiểm toán số 315: Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị (gọi tắt là Chuẩn mực kiểm toán số 315) (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC), nội dung của Chuẩn mực kiểm toán số 315 tiếp tục được quy định như sau:
Hướng dẫn đoạn 25(b) Chuẩn mực kiểm toán số 315 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
Kiểm toán viên cần xem xét rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu đối với các nhóm giao dịch, số dư tài khoản, thông tin thuyết minh vì điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho việc xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo ở cấp độ cơ sở dẫn liệu cần thiết để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp. Khi xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu, kiểm toán viên có thể kết luận rằng rủi ro đã xác định có ảnh hưởng lan tỏa hơn đối với tổng thể báo cáo tài chính và ảnh hưởng tiềm tàng đến nhiều cơ sở dẫn liệu.
Chuẩn mực kiểm toán số 315 theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam |
Chuẩn mực kiểm toán số 315: Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán (Phần 28)
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
(i) Để khẳng định rằng báo cáo tài chính tuân thủ khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, Ban Giám đốc cần khẳng định chính thức hoặc ngầm định các cơ sở dẫn liệu về việc ghi nhận, đo lường, trình bày và công bố các thành phần của báo cáo tài chính và các thuyết minh liên quan.
(ii) Các cơ sở dẫn liệu được kiểm toán viên sử dụng để xem xét các loại sai sót tiềm tàng có thể xảy ra được chia thành ba loại và có thể có những dạng sau:
- Các cơ sở dẫn liệu đối với các nhóm giao dịch và sự kiện trong kỳ được kiểm toán:
+ Tính hiện hữu: các giao dịch và các sự kiện được ghi nhận đã xảy ra và liên quan đến đơn vị.
+ Tính đầy đủ: tất cả các giao dịch và sự kiện cần ghi nhận đã được ghi nhận.
+ Tính chính xác: số liệu và dữ liệu liên quan đến các giao dịch và sự kiện đã ghi nhận được phản ánh một cách phù hợp.
+ Đúng kỳ: các giao dịch và sự kiện được ghi nhận đúng kỳ kế toán.
+ Phân loại: các giao dịch và sự kiện được ghi nhận vào đúng tài khoản.
- Các cơ sở dẫn liệu đối với số dư tài khoản vào cuối kỳ:
+ Tính hiện hữu: tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu thực sự tồn tại.
+ Quyền và nghĩa vụ: đơn vị nắm giữ các quyền liên quan đến tài sản thuộc sở hữu của đơn vị và đơn vị có nghĩa vụ với các khoản nợ phải trả.
+ Tính đầy đủ: tất cả các tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu cần ghi nhận đã được ghi nhận đầy đủ.
+ Đánh giá và phân bổ: tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu được thể hiện trên báo cáo tài chính theo giá trị phù hợp và những điều chỉnh liên quan đến đánh giá hoặc phân bổ đã được ghi nhận phù hợp.
- Các cơ sở dẫn liệu đối với các trình bày và thuyết minh:
+ Tính hiện hữu, quyền và nghĩa vụ: các sự kiện, giao dịch và các vấn đề khác được thuyết minh thực sự đã xảy ra và có liên quan đến đơn vị.
+ Tính đầy đủ: tất cả các thuyết minh cần trình bày trên báo cáo tài chính đã được trình bày.
+ Phân loại và tính dễ hiểu: các thông tin tài chính được trình bày, diễn giải và thuyết minh hợp lý, rõ ràng, dễ hiểu.
+ Tính chính xác và đánh giá: thông tin tài chính và thông tin khác được trình bày hợp lý và theo giá trị phù hợp.
(iii) Kiểm toán viên có thể sử dụng các cơ sở dẫn liệu được mô tả ở trên hoặc có thể diễn đạt theo cách khác với điều kiện là tất cả các nội dung nêu trên đều được đề cập tới. Ví dụ, kiểm toán viên có thể kết hợp các cơ sở dẫn liệu đối với các giao dịch và sự kiện với các cơ sở dẫn liệu đối với số dư tài khoản.
Quý khách hàng xem tiếp tục >> Chuẩn mực kiểm toán số 315: Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán (Phần 29).