Có phải Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao hay không? – Hà Anh (Thái Bình).
>> Hồ sơ cấp chứng thư số của thuê bao đối với doanh nghiệp từ ngày 09/5/2024
>> Mục tiêu đến 2030: Có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam là tỷ phú đô la (USD)
Ngày 07/5/2024, Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ cụ thể giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng 5/2024 và thời gian tới tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024. Dưới đây là một số nội dung nổi bật:
Theo điểm d khoản 4 Phụ lục ban hành kèm Nghị quyết 65/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn các giải pháp để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng...
Chính phủ yêu cầu xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Theo điểm a khoản 4 Phụ lục ban hành kèm Nghị quyết 65/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường trong trường hợp cần thiết, cân đối hài hòa giữa điều hành tỷ giá và lãi suất. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.
Theo điểm b khoản 4 Phụ lục ban hành kèm Nghị quyết 65/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả, khả thi, kịp thời, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội; phát huy vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 123/TB-VPCP ngày 27/3/2024 của Văn phòng Chính phủ.
Điều 11. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng - Nghị định 24/2012/NĐ-CP 1. Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: a) Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. b) Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên. c) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên. d) Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế). đ) Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. 2. Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: a) Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên. b) Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng. c) Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. 3. Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục và hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng. |