Đối tượng được bảo hộ đối với quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng sẽ dựa trên những căn cứ nào để xác định? – Quang Linh (TP. Hồ Chí Minh).
>> Kiểm soát hàng hóa XNK liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng 2023
Tại Điều 73 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, căn cứ xác định đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng được quy định như sau:
- Việc xác định đối tượng được bảo hộ được thực hiện bằng cách xem xét các tài liệu, chứng cứ chứng minh căn cứ phát sinh, xác lập quyền theo quy định tại Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Luật số 42/2019/QH14) (xem chi tiết tại Mục 2).
- Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, đối tượng được bảo hộ được xác định theo giấy xác nhận đăng ký, văn bằng bảo hộ và các tài liệu kèm theo giấy xác nhận đăng ký, văn bằng bảo hộ đó.
- Đối với tên thương mại, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở quá trình sử dụng, lĩnh vực và lãnh thổ sử dụng tên thương mại đó.
- Đối với bí mật kinh doanh, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở các tài liệu thể hiện nội dung, bản chất của bí mật kinh doanh và thuyết minh, mô tả về biện pháp bảo mật tương ứng.
- Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ về việc sử dụng rộng rãi để đạt được sự nổi tiếng của nhãn hiệu theo các tiêu chí quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15) (xem chi tiết tại Mục 3).
- Đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo điều ước quốc tế, đối tượng bảo hộ được xác định theo điều ước quốc tế hoặc theo Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.
- Quyền đối với giống cây trồng được xác định theo Bằng bảo hộ giống cây trồng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản sửa đổi, hướng dẫn đang có hiệu lực thi hành |
Căn cứ xác định đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo quy định tại Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Luật số 42/2019/QH14), quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng được phát sinh, xác lập dựa trên căn cứ sau:
- Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:
+ Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022) hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
+ Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.
+ Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó.
+ Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.
- Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022).
Theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15), việc xem xét, đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng được lựa chọn từ một số hoặc tất cả các tiêu chí sau đây:
- Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo.
- Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành.
- Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp.
- Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu.
- Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu.
- Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng.
- Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.