Dưới đây là thông tin về 4 nguyên tắc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa được quy định trong Thông tư 02/2024/TT-BKHCN có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/06/2024.
>> Điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ theo Luật Lưu trữ 2024
>> 04 trường hợp bắt buộc phải cung cấp dữ liệu cho cơ quan Nhà nước
Căn cứ khoản 8 Điều 3 và khoản 1 Điều 6 Thông tư 02/2024/TT-BKHCN, 4 nguyên tắc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bao gồm:
(i) Nguyên tắc “Một bước trước - một bước sau”: là nguyên tắc truy xuất nguồn gốc mà tổ chức, cá nhân phải lưu giữ thông tin để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm được truy xuất nguồn gốc.
(ii) Nguyên tắc “sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.
(iii) Nguyên tắc “Minh bạch”: hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất.
(iv) Nguyên tắc “Sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”: hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức.
File word Luật Quản lý thuế và văn bản hướng dẫn đang còn hiệu lực năm 2024 |
4 nguyên tắc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa 2025
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 3 Thông tư 02/2024/TT-BKHCN, mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và mã truy xuất nguồn gốc được hiểu như sau:
(i) Mã truy vết sản phẩm là dãy số hoặc số và chữ được dùng để định danh sản phẩm ở các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong quá trình truy xuất nguồn gốc.
(ii) Mã truy vết địa điểm là dãy số hoặc số và chữ được dùng để định danh địa điểm diễn ra sự kiện ở các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong quá trình truy xuất nguồn gốc.
(iii) Mã truy xuất nguồn gốc là mã số định danh cuối cùng trong từng công đoạn của quá trình truy xuất nguồn gốc (bao gồm dãy số hoặc số và chữ liên tiếp được cấu thành từ mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, số lô/mẻ sản phẩm, thời gian xảy ra sự kiện) và được mã hóa trong vật mang dữ liệu, thể hiện thông tin công khai, minh bạch về sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin phục vụ cho truy xuất nguồn gốc.
Căn cứ khoản 3 Điều 6 Thông tư 02/2024/TT-BKHCN, dữ liệu truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bao gồm tối thiểu các thông tin sau:
(i) Tên sản phẩm, hàng hóa.
(ii) Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa.
(iii) Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh.
(iv) Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh.
(v) Các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh (bao gồm tối thiểu thông tin: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn).
(vi) Thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra).
(vii) Mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
(viii) Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có).
(ix) Thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có).
(x) Các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng.
Căn cứ khoản 5 Điều 6 Thông tư 02/2024/TT-BKHCN, dữ liệu truy xuất nguồn gốc để phục vụ người tiêu dùng tra cứu trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, bao gồm tối thiểu các thông tin sau:
(i) Tên sản phẩm, hàng hóa.
(ii) Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa.
(iii) Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh.
(iv) Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh.
(v) Thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra).
(vi) Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có).
(vii) Thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có).