Có phải Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân không? Nguyên tắc thực hiện việc này như thế nào? – Mỹ An (Sơn La).
>> 10 văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sẽ có hiệu lực từ 01/7/2024
>> 35 thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận, trả kết quả tại Bộ phận Một cửa của Bộ Xây dựng
Ngày 26/03/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 05/2024/QĐ-TTg để quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện và sẽ có hiệu lực vào ngày 15/05/2024. Theo đó, có những nội dung đáng chú ý sau đây:
Căn cứ Điều 3 Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân bao gồm:
(i) Hằng năm, sau khi kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-2 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán điện bình quân năm N được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và điều hành - quản lý ngành) và việc phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
(ii) Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
(iii) Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.
(iv) Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
(v) Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 03 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
(vi) Giá bán điện bình quân được tính toán theo quy định tại Điều 4 Quyết định 05/2024/QĐ-TTg. Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán nằm ngoài khung giá, chỉ được xem xét điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định. Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá theo cơ chế quy định tại Điều 5 và Điều 6 Quyết định 05/2024/QĐ-TTg.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
(vii) Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.
File Excel tính tiền điện sinh hoạt 2024 theo Quyết định 2941/QĐ-BCT |
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 2 Quyết định 05/2024/QĐ-TTg thì giá bán điện bình quân và giá bán điện bình quân hiện hành được hiểu là:
- Giá bán điện bình quân là mức giá bán lẻ điện bình quân trong phạm vi khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định.
- Giá bán điện bình quân hiện hành là mức giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng tại thời điểm xem xét điều chỉnh giá điện.
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, giá bán điện bình quân được lập trên cơ sở chi phí khâu phát điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí điều hành - quản lý ngành, các khoản chi phí khác được phân bổ và chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch được duyệt, trong đó chi phí các khâu có tính đến các khoản giảm trừ giá thành theo quy định.